Loại cà chua ghép sạch bệnh đã được Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thực hiện và nhân rộng ra trong dân. Giống do các trại ươm làm ra không đủ bán trên thị trường...
Loại cà chua ghép sạch bệnh đã được Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thực hiện và nhân rộng ra trong dân. Giống do các trại ươm làm ra không đủ bán trên thị trường...
Hiện nay, gần 100% nông dân tỉnh Lâm Đồng trồng loại cà chua ghép sạch bệnh và cà chua ghép đang được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.
Từ 5 năm nay, vườn ươm Điền Phượng (thôn Yên Khê Hạ, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) chuyên cung cấp gốc ghép cà chua sạch bệnh cho các nhà vườn.
Trung bình mỗi ngày vườn này bán ra từ 20-25 ngàn cây giống cà chua ghép không chỉ tại các huyện trong tỉnh mà còn bán cho cả các tỉnh khác. Anh Phan Văn Điền, chủ vườn ươm cho biết, anh đã được các nhà khoa học Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (KHKTNNMN) hướng dẫn phương pháp ghép cà chua và bán giống cho nông dân.
Một ruộng cà chua trồng bằng cây ghép cho năng suất trên 200 tấn/ha tại Đức Trọng, Lâm Đồng |
“Giống cà chua ghép này khác hẳn so với giống cà chua thường ở chỗ kháng hoàn toàn bệnh héo rũ vi khuẩn, năng suất cao hơn từ 30% trở lên trong cùng một đơn vị diện tích”, anh Điền, nói.
TS Ngô Quang Vinh, trưởng phòng Nghiên cứu cây thực phẩm (Viện KHKTNNMN) cho biết, để hạn chế bệnh héo rũ vi khuẩn, biện pháp dùng giống kháng và luân canh lâu ngày được coi là có tác dụng hơn cả nhưng thực tế không có giống kháng mạnh và luân canh lâu ngày không khả thi. Do đó, biện pháp ghép ngọn cà chua lên một gốc cà tím hoặc cà chua có khả năng kháng bệnh được coi là một giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay.
Lâm Đồng là địa phương ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ghép cà chua từ rất sớm. Bà Nguyễn Thị Phương Loan, trưởng phòng Trồng trọt, sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ năm 2004, Lâm Đồng đã nhận tiến bộ kỹ thuật từ Viện KHKTNNMN. Hiện toàn tỉnh có diện tích trồng cà chua rất lớn khoảng 6-7 ngàn ha, trong đó giống cà chua ghép chiếm trên 90%. “Người nông dân gần như là chuyển hoàn toàn sang trồng cà chua ghép. Cà chua ghép có ưu thế trừ bệnh héo rũ vi khuẩn, năng suất bình quân đạt 60-80 tấn/ha, cao gấp đôi so với cà chua thường (trồng trong nhà kính có thể đạt 100-200 tấn/ha)”, bà Loan nhận định.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện có trên 80 trại giống ghép cà chua. Anh Nguyễn Hồng Phong, chủ trang trại Phong Thúy (Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết, mỗi ngày trang trại xuất khoảng 30.000 cây giống cà chua ghép. Hạt giống cà chua làm gốc ghép được mua từ Viện KHKTNNMN sau đó ươm riêng gốc, ươm ngọn riêng.
“Hiện nay chúng tôi thường ghép từ 3-4 loại cà chua thương phẩm làm ngọn. Đây là những giống cà chua cho năng suất cao như cà chua anna, cà chua lai hay cà chua kim cương đỏ (màu đỏ và cứng), cà chua nhót”, anh Phong nói.
Hiện tại, trang trại của anh Phong có khoảng 20 công nhân chuyên ghép cà chua giống. Trung bình một ngày, một người ghép được 1.500- 1.700 cây. 90% cây giống được bán cho các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và 10% là xuất bán đi các tỉnh khác trên cả nước như Long An, Hậu Giang, An Giang, Trà Vinh, Hà Nội, Lạng Sơn, Nghệ An…
Trong khi giá bán cây cà chua thường chỉ có từ 200-250 đồng/cây giống thì giá bán cà chua ghép là 600-650 đồng/cây giống nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Anh Điền cho biết giá cà chua ghép cao hơn gấp đôi, gấp ba bởi hai cây ghép một, chi phí nhân công, lao động, kháng bệnh héo rũ vi khuẩn, năng suất cao, bỏ hẳn việc phải phun thuốc trừ sâu bệnh héo rũ vi khuẩn...
Theo TS Vinh, hiện giá bán cây giống cà chua ghép tại Lâm Đồng cũng rẻ nhất thế giới (tại Mỹ 0,6-0,9USD/cây, tại Lâm đồng 0,6 USD mua được 20-21 cây).
Theo Đất Việt