Đối với các vùng nông thôn, tình trạng người dân đốt, xả bừa bãi rơm rạ sau thu hoạch xuống kênh mương, mặt đường gây khói bụi, ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông là một vấn đề đặt ra cấp thiết.
Đối với các vùng nông thôn, tình trạng người dân đốt, xả bừa bãi rơm rạ sau thu hoạch xuống kênh mương, mặt đường gây khói bụi, ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông là một vấn đề đặt ra cấp thiết.
Nhằm khắc phục tình trạng này, năm 2011, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xây dựng đề án khung tổ chức xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp giai đoạn 2011-2015.
Phương pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất được tiến hành dựa trên nguyên tắc bổ sung các chủng giống vi sinh vật phân giải hữu cơ có khả năng phân giải nhanh và triệt để rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng, là sản phẩm tuyệt đối an toàn với người và động vật.
Chế phẩm sinh học được sử dụng phổ biến nhất là FITO-BIOMIX-RR do Công ty cổ phần công nghệ sinh học Hà Nội sản xuất đã được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số HI-2010 của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.
Rơm rạ phơi đầy trên đường đi |
Cứ mỗi tấn rơm rạ được ủ cùng 0,2kg chế phẩm, 3kg phân hóa học NPK và 50 lít nước sao cho nồng độ ẩm đạt trên 80%. Trải rơm rạ thành từng lớp, mỗi lớp dày 30cm thì tưới một lượt dung dịch chế phẩm hòa tan và rắc mỏng phân hóa học NPK, có thể bổ sung thêm phân chuồng. Sau đó, đậy toàn bộ đống ủ bằng nilon để đảm bảo vệ sinh, giữ độ ẩm và nhiệt.
Để cho rơm, rạ vụn thêm và làm cho các loại vi sinh vật phân bố đều cần phải thường xuyên tưới bổ sung duy trì độ ẩm, trộn đều giữa chỗ phân hủy và chỗ chưa phân hủy lần thứ nhất sau 10-12 ngày, lần thứ hai cách lần một 10 ngày.
Sau 30 ngày trở đi có thể tiến hành kiểm tra chất lượng phân, nếu đảm bảo yêu cầu có thể mang ra sử dụng.
Để chuẩn bị cho công tác triển khai đề án, Trung tâm Ứng dụng thiết bị khoa học tỉnh đã phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức 138 lớp tập huấn cho 13.950 lượt hộ nông dân; tuyên truyền sâu rộng thông qua các đoàn thể và các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ miễn phí hơn 10,5 tấn chế phẩm.
Sau 1 năm thực hiện tại 124 xã thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, phương pháp trên đã thu được kết quả khả quan, vừa tận dụng nguồn rác thải, giúp người nông dân tiết kiệm công làm đất, vừa bảo vệ môi trường, góp phần cho sản xuất nông nghiệp bền vững.
Năm 2011, lượng rơm, rạ đã qua xử lý ở tỉnh là 43.844 tấn, đạt 46,9% kế hoạch và chiếm 12,3% tổng lượng rơm, rạ thừa trên địa bàn toàn tỉnh.
Các hộ dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sau 35-40 ngày rơm, rạ cơ bản đã phân hủy thành phân hữu cơ có chất lượng tốt, sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, tăng sản lượng hoa màu, có nơi lên đến 3%. Một số địa phương thực hiện có hiệu quả cao như Tân An - Thanh Hà, Thái Hòa - Bình Giang, Lê Hồng - Thanh Miện…
Mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học của tỉnh Hải Dương đã nhận được sự quan tâm rộng rãi. Năm 2011, đoàn công tác liên Bộ gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ đã về thăm và làm việc tại một số địa phương của huyện Thanh Hà về mô hình này.
Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện dự án này, hướng dẫn cán bộ và nhân dân sử dụng chế phẩm sinh học một cách hiệu quả hơn để tiến tới năm 2015, trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn hiện tượng đốt, xả rơm bừa bãi trên đường giao thông, công trình thủy lợi gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường.
Theo Vietnam+