Đáng chú ý nhất trong năm 2011 là công trình phát minh và chế tạo thành công hệ thống công nghệ chữa cháy đa năng...
Ngày 7-2, Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tổng kết hoạt động năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012. Theo đó, đáng chú ý nhất trong năm 2011 là công trình phát minh và chế tạo thành công hệ thống công nghệ chữa cháy đa năng của kỹ sư Phan Đình Phương, chi hội trưởng Chi hội sở hữu trí tuệ Đà Nẵng.
Theo kỹ sư Phương, đây là loại máy chữa cháy thế hệ mới tự vận hành nhờ năng lượng của chính các chất khí chữa cháy (CO2, nitơ, nước...) tạo nên áp suất lớn để phun ra ngoài qua van xả, không cần những nguồn năng lượng truyền thống như điện, máy nổ, máy bơm, xăng dầu, ăcquy... nhờ đó máy chủ động chữa cháy, không có tiếng ồn.
Thiết bị chữa cháy của kỹ sư Phan Đình Phương trong lần thử nghiệm tại Đà Nẵng Thiết bị chữa cháy của kỹ sư Phan Đình Phương trong lần thử nghiệm tại Đà Nẵng. |
Khi xảy ra cháy mất điện, thiết bị này có khả năng tự phát điện cấp ngay cho camera ghi hình đối tượng gây cháy, cấp điện cho đèn thoát hiểm, hệ thống Internet, báo ngay đến chủ nhà và lực lượng phòng cháy chữa cháy để chủ động kiểm soát tình hình từ xa.
Tháng 6-2011, đoàn chuyên gia điện hạt nhân của Bộ Khoa học - công nghệ VN và các chuyên gia cao cấp về an toàn điện hạt nhân của Pháp đã đến Đà Nẵng tìm hiểu hệ thống công nghệ này và đánh giá đây là thiết bị hữu dụng, đặc biệt trong trường hợp ứng phó điện hạt nhân như ở Fukushima (Nhật Bản).
Ngay sau đó, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã gửi báo cáo đến Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để bảo chứng thiết bị chữa cháy này. Đồng thời công trình này đã được Bộ Khoa học - công nghệ phê duyệt nhằm nghiên cứu để triển khai áp dụng tại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo Tuổi Trẻ