01:01, 26/01/2012

Cần được ứng dụng rộng rãi

Từ năm 2007 - 2010, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Hà Lê Thị Lộc - Chuyên viên chính Phòng Công nghệ nuôi trồng, Viện Hải dương học (Nha Trang) làm chủ nhiệm đã triển khai thành công đề tài ....

Từ năm 2007 - 2010, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Hà Lê Thị Lộc - Chuyên viên chính Phòng Công nghệ nuôi trồng, Viện Hải dương học (Nha Trang) làm chủ nhiệm đã triển khai thành công đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số loại cá cảnh có giá trị xuất khẩu”. Đây là đề tài khoa học cấp Nhà nước, được đầu tư để nghiên cứu 6 loài cá cảnh có giá trị, trong đó có 3 loài cá cảnh biển và 3 loại cá nước ngọt. Đề tài đã được ứng dụng tại một số địa phương nhưng phạm vi còn hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu cá cảnh ngày một lớn.

. 6 quy trình công nghệ sản xuất

Các chuyên viên nghiên cứu và theo dõi đàn cá giống.
Các chuyên viên nghiên cứu và theo dõi đàn cá giống.
 

Điều khó khăn và cũng là thành công nhất của đề tài là đã hoàn thiện được 6 quy trình công nghệ sản xuất giống cho 6 loại cá cảnh (cá khoang cổ nemo, cá ngựa vằn, cá thia đồng tiền, cá dĩa, cá neon và cá chép koi). Tiến sĩ Hà Lê Thị Lộc, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Từ trước đến nay, 6 đối tượng nuôi này chưa từng được nghiên cứu ở nước ta. Trong khi đó, các loại cá này lại đang được thị trường ưa chuộng. Năm 2006, Viện Hải dương học đã nghiên cứu thành công đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất và nuôi thương mại loài cá khoang cổ đỏ” với hơn 10.000 con cá cảnh khoang cổ đỏ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Điều này cho thấy tiềm năng lớn về sản xuất và nuôi những loại cá cảnh có giá trị xuất khẩu ở nước ta. Do đó, việc nghiên cứu công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm các loại cá cảnh là biện pháp tối ưu nhằm phát triển tiềm năng đó, đồng thời, giảm bớt áp lực khai thác nguồn lợi tự nhiên, tạo việc làm và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước”.

Tuy nhiên, vì là lĩnh vực nghiên cứu còn khá mới mẻ nên trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã gặp không ít khó khăn khi đưa đàn cá bố mẹ nhập từ nước ngoài về thuần dưỡng trong điều kiện tự nhiên ở nước ta. Sau 3 năm triển khai, nhóm đã đưa ra 6 quy trình công nghệ khép kín, từ lúc nhập đàn cá bố mẹ đến sản xuất giống, sản xuất thương phẩm và xuất khẩu cá con. Trước khi nhập đàn cá bố mẹ về thuần dưỡng, nhóm tác giả đã bỏ nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu các đặc điểm sinh học, sinh sản của hàng trăm loại cá cảnh khác nhau ở nhiều nước trên thế giới, nhằm chọn ra loại phù hợp với điều kiện tự nhiên của Việt Nam, trong đó có các loại cá có nguồn gốc từ nhiều nước châu Á như: Indonesia, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc… Từ đàn cá bố mẹ, các chuyên viên bắt đầu thuần dưỡng sinh sản trong điều kiện tự nhiên và trong điều kiện có kích thích (kích thích sinh sản bằng hormone LH-Rha và HCG); đồng thời, đánh giá các yếu tố tác động đến sự thành thục sinh dục của cá bố mẹ như: chu kỳ ánh sáng, nhiệt độ, dòng nước… Để đạt được kỹ thuật sản xuất giống chất lượng, đặc biệt là kỹ thuật nuôi sinh khối, nhóm tác giả đã đưa vào sử dụng thức ăn tươi sống phù hợp cho các loại cá cảnh như vi tảo, luân trùng dòng lớn, nhỏ và một số loại thức ăn tạo màu sắc trong giai đoạn nuôi thương phẩm xuất khẩu.

. Cần được ứng dụng rộng rãi

Đàn cá khoang cổ nemo bố mẹ có màu sắc tươi sáng và có thể sinh sản trong điều kiện nhiệt độ dao động ngày đêm tại Khánh Hòa.
Đàn cá khoang cổ nemo bố mẹ có màu sắc tươi sáng và có thể sinh sản trong điều kiện nhiệt độ dao động ngày đêm tại Khánh Hòa.

Không chỉ sản xuất thử nghiệm thành công 10 ngàn con cá cảnh mỗi loại, nhóm tác giả còn có nhiều nghiên cứu sáng tạo trong quá trình triển khai đề tài. Một thành viên trong nhóm cho biết: “Đối với loại cá khoang cổ nemo, các nghiên cứu đã được công bố trước đây trên thế giới cho rằng, loài cá này chỉ có thể sinh sản tốt trong điều kiện nhiệt độ phòng ổn định 260C. Tuy nhiên, chúng tôi đã nghiên cứu và thuần dưỡng cá sinh sản ở điều kiện nhiệt độ dao động ngày đêm tại Khánh Hòa”. Ngoài ra, nhóm tác giả còn tạo ra đàn cá sản xuất nhân tạo có màu sắc giống, thậm chí, tươi sáng hơn cá tự nhiên nhờ vào nguồn thức ăn tạo màu. Hoặc đối với cá chép koi - một loại cá có nguồn gốc từ Nhật Bản, có nhiều hình dáng khác nhau, trong quá trình nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, nhóm tác giả đã cho ra loại cá chép koi nhân tạo có hình dáng tròn, săn chắc, nhiều màu sắc trên lưng, phù hợp với thị hiếu tiêu thụ. Đặc biệt, qua theo dõi, cá chép koi nhân tạo hoàn toàn không bị nhiễm virus mùa xuân - một chủng virus đang lây lan rộng ở nhiều loại cá nước ngọt, trong đó có cá chép. Kỹ thuật tạo màu sắc ở cá khoang cổ nemo, cá dĩa, cá neon; ứng dụng di truyền trong sản xuất giống cá chép koi toàn cái; nghiên cứu thức ăn sử dụng ương nuôi giai đoạn cá bột… là những kỹ thuật hoàn toàn mới mà nhóm nghiên cứu đã tìm tòi, phát hiện trong quá trình triển khai đề tài.

Sau khi nghiệm thu, những kết quả của đề tài đã được đưa vào ứng dụng tại một số địa phương như: Đà Nẵng, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Hà Lê Thị Lộc cho biết: “Hiện nay, năng lực sản xuất cá cảnh của nước ta chỉ đạt khoảng 3.000 con/năm/loài. Với mức sản xuất này, chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu, đặc biệt là những hợp đồng lớn. Các quy trình công nghệ của đề tài đã bước đầu được áp dụng tại một số địa phương nhưng chưa phổ biến rộng rãi trên toàn quốc. Ở các vùng ven biển, những địa phương sản xuất tôm giống không còn hoạt động, có thể chuyển sang sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá cảnh biển xuất khẩu như cá khoang cổ nemo, cá ngựa vằn, cá thia đồng tiền. Riêng 3 loại cá nước ngọt có thể chuyển giao cho các hộ dân nằm sâu trong đất liền để phát triển thành các làng nghề có quy hoạch của Nhà nước. Vì vậy, cần sự đầu tư hoặc hợp tác đầu tư để ứng dụng kết quả đề tài, làm tăng năng lực sản xuất cá cảnh nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”.

HOÀNG DUNG