10:11, 03/11/2011

Sẽ hướng đến quy mô công nghiệp

Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Fucoidan và sản xuất Alginat từ bã thải rong nâu” do nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang thực hiện đã mang lại kết quả cao về cả mặt khoa học và kinh tế.

Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ (CN) sản xuất (SX) Fucoidan và SX Alginat từ bã thải rong nâu” do nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu và ứng dụng CN Nha Trang thực hiện đã mang lại kết quả cao về cả mặt khoa học và kinh tế. Kết quả của Dự án này đang được nhân rộng và chuyển giao CN để SX với quy mô công nghiệp.

Rong nâu là loại thực vật biển có chứa đáng kể hàm lượng Polysacarit là Alginat, Fucoidan và Laminaran. Trong đó, Alginat là thành phần chính đã được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm… Fucoidan và Laminaran là những Polysacarit có nhiều hoạt tính sinh học như: chống đông tụ máu, chống ung thư, chống virut… Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn thực vật biển vô cùng phong phú. Trong đó, sản lượng rong nâu ước tính đạt 10.000 tấn khô/năm với hàm lượng Fucoidan dao động trong khoảng 0,7 - 2,7%; hàm lượng Alginat chiếm khoảng 15 - 40%. Để góp phần khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nguyên liệu quý từ rong nâu, năm 2009, nhóm tác giả do Tiến sĩ Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng Phân tích và Triển khai ứng dụng (Viện Nghiên cứu và ứng dụng CN Nha Trang) làm chủ nhiệm đã thực hiện Dự án “Hoàn thiện quy trình CN SX Fucoidan và SX Alginat từ bã thải rong nâu” dựa trên kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và CN Việt Nam.

Song song với việc nghiên cứu các hoạt tính sinh học của rong nâu, nhóm tác giả đã phối hợp với Công ty Cổ phần Fucoidan Việt Nam (số 2 Hùng Vương, Nha Trang) đầu tư các thiết bị CN để SX Fucoidan ngay trong thời gian nghiên cứu. Quy trình SX Fucoidan và Alginat từ bã thải rong nâu là một quy trình tổng hợp bao gồm nhiều quy trình nhỏ. Bắt đầu từ quy trình thu hoạch rong nâu, sơ chế và bảo quản nguyên liệu rong nâu theo đúng tiêu chuẩn khoa học; tiếp đến là quy trình CN chiết và làm sạch Fucoidan với các công đoạn như: chiết, cô đặc, kết tủa và sấy Fucoidan. Bên cạnh quy trình làm sạch Fucoidan, nhóm tác giả cũng tiến hành quy trình SX Alginat Natri (chiết, lọc, làm sạch Alginat) và quy trình CN thu hồi iod hữu cơ, acid béo và kháng vi. Sau mỗi công đoạn, nhóm tác giả đều tiến hành phân tích mẫu nhằm mang lại những sản phẩm đạt chất lượng cao. Ngoài ra, để phục vụ cho những quy trình CN trên, nhóm tác giả đã chủ động thiết kế các bản vẽ CN như: bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng thiết bị của dây chuyền SX Fucoidan và Alginat, thiết kế thiết bị sợi ép, thiết bị sấy Alginate Natri…

Sản phẩm chức năng Fucogastro chiết suất từ bã thải rong nâu có chức năng hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng, phòng, chống ung thư dạ dày.

Sau 2 năm thực hiện, dự án này đã đạt được kết quả cao về mặt khoa học CN và hiệu quả kinh tế. Nhóm tác giả đã SX được 1.200kg Fucoidan thô, 300kg Fucoidan tinh chế đạt tiêu chuẩn dược liệu và 1.120kg Alginate Natri. Dự án đã cung cấp cho thị trường hơn 5.000 hộp Fucogastro thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng, phòng, chống ung thư dạ dày… Tiến sĩ Trần Thị Thanh Vân cho biết: “Sau khi hoàn thiện quy trình CN, sản phẩm Fucoidan của Dự án có giá thành rẻ hơn, chất lượng thương phẩm cao hơn Fucoidan thô của Nga và tương đương với chất lượng Fucoidan của DNP International Co. Inc (Mỹ), Okinawa agent (Nhật). Chúng tôi đã chuyển giao CN cho Công ty Cổ phần Fucoidan Việt Nam để SX thực phẩm chức năng đầu tiên với tên thương mại là Fucogastro phục vụ nhu cầu chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cộng đồng’’. Không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, kết quả của Dự án này cũng góp phần quan trọng trong lĩnh vực khoa học CN. Dự án đã đưa ra được nhiều số liệu về hàm lượng, hoạt tính sinh học và một vài dạng cấu trúc của Fucoidan và Alginate sinh trưởng tại vùng biển nhiệt đới. Kết quả nghiên cứu là cơ sở dữ liệu cho quy trình CN tích hợp giữa SX các sản phẩm từ rong nâu như: Fucoidan, sản phẩm giàu iod hữu cơ và acid béo với SX phân bón sinh học từ nước thải trong quá trình cô đặc. Vì vậy, đây sẽ là cơ sở khoa học cho việc xây dựng các nhà máy SX sản phẩm từ rong nâu không có chất thải độc hại ra môi trường.

Kết quả mà Dự án đạt được đã đánh dấu bước ngoặc đầu tiên trong việc SX vật liệu Fucoidan ở quy mô công nghiệp tại Việt Nam và triển vọng xuất khẩu sang các thị trường khác. Nhờ những ý nghĩa về khoa học CN và kinh tế - xã hội, Dự án này đã đạt giải nhì về sáng tạo khoa học CN tại Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh lần thứ IV và được đánh giá cao trong những dự án thuộc chương trình khoa học CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2006 - 2010.

HOÀNG DUNG