08:11, 09/11/2011

Hỗ trợ hiệu quả việc khám chữa bệnh

Với giao diện khá đơn giản, thao tác dễ dàng với nhiều tính năng hỗ trợ, phần mềm Quản lý phòng khám đa khoa do bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiền (hội viên Hội Hành nghề y tế tư nhân tỉnh Khánh Hòa) xây dựng đã và đang là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc khám chữa bệnh tại một số phòng khám tư nhân.

Với giao diện khá đơn giản, thao tác dễ dàng với nhiều tính năng hỗ trợ, phần mềm Quản lý phòng khám đa khoa (QLPKĐK) do bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Hiền (hội viên Hội Hành nghề y tế tư nhân tỉnh Khánh Hòa) xây dựng đã và đang là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc khám chữa bệnh (KCB) tại một số phòng khám tư nhân. Phần mềm này không chỉ giúp các BS kê toa, lưu trữ hồ sơ bệnh nhân dễ dàng mà còn thuận tiện trong bán, kiểm tra và tư vấn thuốc.

Là BS giàu kinh nghiệm đã nghỉ hưu và hiện đang quản lý một PKĐK ở số 72 Nguyễn Trãi (Nha Trang), BS Nguyễn Ngọc Hiền luôn trăn trở tìm cách khắc phục những khó khăn, áp lực mà BS gặp phải trong quá trình KCB. BS Nguyễn Ngọc Hiền cho biết: “Vừa qua, Bộ Y tế đã quy định, BS phải in toa thuốc khi KCB cho bệnh nhân và các nhà thuốc đạt chuẩn GPP phải có dược sĩ trình độ đại học hoặc dược trung để tư vấn cho người mua thuốc. Tuy nhiên, một BS, dược sĩ khó có thể nhớ nổi hàng nghìn loại thuốc đang lưu hành và cũng khó có thể nhớ hết tất cả công dụng, tương tác thuốc của hàng nghìn loại thuốc đó. Vì vậy, các BS cần sự hỗ trợ từ máy móc để giảm bớt áp lực, đồng thời nâng cao hiệu quả KCB”. Xuất phát từ những trăn trở đó, BS Hiền đã xây dựng phần mềm QLPKĐK với nhiều tính năng nhằm hỗ trợ việc KCB của BS và quản lý hoạt động của các phòng khám tư nhân.

Phần mềm Quản lý phòng khám đa khoa có giao diện gọn nhẹ, thao tác khá dễ dàng.

Phần mềm QLPKĐK được BS Hiền xây dựng như một phần mềm khép kín, các bộ phận trong phòng khám có thể dùng chung cơ sở dữ liệu được nhập sẵn. Phần mềm có các mục chính như: quản lý phòng khám, bán thuốc, báo cáo… Trong đó, mục quản lý phòng khám lưu giữ toàn bộ cơ sở dữ liệu phục vụ quá trình KCB. Trước khi khám bệnh, BS nhấp vào mục này và sẽ có được những thông tin về bệnh nhân như: số thứ tự khám bệnh, ID khách hàng (mã số khách hàng), họ tên, tuổi, địa chỉ, tiền sử bệnh (nếu là bệnh nhân cũ), các chỉ số về sức khỏe (cân nặng, nhịp tim, huyết áp…). Phần thông tin này được phụ tá nhập sẵn khi bệnh nhân đăng ký KCB. Ngoài ra, mục này còn lưu trữ chẩn đoán bệnh của BS, toa thuốc, đơn giá toa thuốc. Các BS cũng có thể sử dụng nguồn dữ liệu về các loại thuốc, công dụng và hướng dẫn sử dụng thuốc đã được nhập sẵn trong phần mềm này để hỗ trợ thêm cho quá trình KCB. Đặc biệt, khi BS kê đơn cho bệnh nhân mà có các loại thuốc quy định không được dùng chung với nhau, không được dùng cho phụ nữ mang thai, không được dùng cho người cao huyết áp… thì ngay lập tức, phần mềm này sẽ hiện lên thông tin cảnh báo. Sau khi khám bệnh xong, BS sẽ in toa thuốc và in hướng dẫn sử dụng thuốc nếu bệnh nhân yêu cầu.

Trong phần mềm QLPKĐK, bên cạnh mục Quản lý phòng khám, mục Bán thuốc cũng rất quan trọng đối với các phòng khám tư nhân có quầy thuốc. Mục này giúp cho các dược sĩ bán thuốc có thể quản lý được số thuốc nhập vào, bán ra và quản lý số thuốc tồn kho ở mọi thời điểm. Ngoài ra, trong mục này còn có phần thông báo những loại thuốc sẽ hết hạn trong vòng 6 tháng tiếp theo và phần dự trù thuốc (những loại thuốc cần nhập về). Điều này sẽ giúp cho các dược sĩ dễ dàng quản lý thuốc mà không cần phải kiểm tra hết hàng nghìn loại thuốc trong kho. Các dược sĩ cũng có thể dùng nguồn dữ liệu về công dụng và hướng dẫn sử dụng thuốc để tư vấn cho người mua.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiền đang sử dụng phần mềm Quản lý phòng khám đa khoa khi khám bệnh.

Với hai mục Quản lý phòng khám và Bán thuốc, phần mềm QLPKĐK có thể cắt ra để sử dụng phù hợp cho một số đối tượng như: Phòng khám tư nhân (phòng khám đơn), quầy thuốc, nhà thuốc, khu vực dịch vụ y tế… Phần mềm này không chỉ hỗ trợ hiệu quả cho các BS mà còn là phương tiện đơn giản hóa công việc của các dược sĩ, giúp việc quản lý phòng khám, quầy thuốc, nhà thuốc chặt chẽ, gọn nhẹ hơn.

MAI HOÀNG