07:11, 22/11/2011

Nhiều tiện lợi cho việc dạy và học môn Địa lý

Học Địa lý là phải gắn liền với các loại bản đồ. Tuy nhiên, phần lớn bản đồ được dùng trong nhà trường hiện nay có kích thước quá nhỏ, làm ảnh hưởng đến khả năng quan sát của học sinh.

Học Địa lý là phải gắn liền với các loại bản đồ. Tuy nhiên, phần lớn bản đồ được dùng trong nhà trường hiện nay có kích thước quá nhỏ, làm ảnh hưởng đến khả năng quan sát của học sinh (HS). Để khắc phục nhược điểm này, thầy Nguyễn Hoàng, giáo viên môn Địa lý Trường Trung học Cơ sở (THCS) Trần Phú (Cam Ranh, Khánh Hòa) đã nghiên cứu và xây dựng phần mềm bản đồ Việt Nam đa năng với nhiều phần hỗ trợ tiện lợi cho việc dạy và học môn Địa lý.

Bộ bản đồ Việt Nam đa năng của thầy Nguyễn Hoàng có đầy đủ các loại bản đồ cơ bản của 7 vùng kinh tế trong cả nước, tương ứng với 7 file bản đồ là: Vùng trung du và miền núi phía bắc; đồng bằng Sông Hồng; Bắc Trung bộ; duyên hải Nam Trung bộ; Tây Nguyên; Đông Nam bộ và đồng bằng Sông Cửu Long. Trong mỗi vùng kinh tế, thầy Hoàng xây dựng nhiều loại bản đồ khác nhau như: Bản đồ tự nhiên, hành chính, kinh tế, bản đồ phân bố dân cư… Điều đặc biệt, tất cả các loại bản đồ trên chỉ nằm trong một file nên người sử dụng rất dễ dàng khi muốn so sánh các lĩnh vực của cùng một địa điểm. Thầy Nguyễn Hoàng cho biết: “Bộ bản đồ được xây dựng bằng chương trình đồ họa Macromedia flash. Để tăng tính linh hoạt và sự đa năng của bộ bản đồ, tôi đã thiết kế hệ thống nút điều khiển với các tính năng hỗ trợ như: phóng lớn, thu nhỏ, dịch chuyển đối tượng, mở thêm cửa sổ chứa nội dung, hình ảnh minh họa… Điều này sẽ giúp cho tất cả HS trong lớp có thể nhìn rõ được bản đồ đang trình chiếu dù ngồi ở vị trí nào”.

 Với mong muốn mang đến tiện lợi cho học sinh, giáo viên trong việc dạy và học môn Địa lý, thầy Nguyễn Hoàng đang tiếp tục nghiên cứu và bổ sung để hoàn thiện bộ bản đồ Việt Nam đa năng.

Khác với các file ảnh pitmap (phương tiện điện tử phổ biến cho ảnh có tông liên tục), bộ bản đồ được thầy Hoàng xây dựng trên chương trình đồ họa vector nên có độ nét cao và không bị vỡ nét khi co giãn. Vì vậy, HS sẽ dễ dàng quan sát và nhận định các đối tượng địa lý thể hiện trên bản đồ. Bên cạnh đó, bộ bản đồ có thể xuất file dưới nhiều định dạng như: Flash shockwave (*swf), file tự chạy (*exe) hoặc file http. Đối với các file bản đồ định dạng swf có dung lượng nhỏ hơn nhiều lần so với file hình pitmap có kích thước tương đương nên người dùng có thể nhúng vào các slide của file Power Point để sử dụng. Còn đối với các file exe, http, bộ bản đồ có thể chạy trên bất cứ máy tính nào có cài Flash Player và trình duyệt web. Chính điều này làm cho phạm vi sử dụng của bộ bản đồ đa dạng, rộng rãi hơn. Ngoài ra, các thao tác cài đặt và sử dụng cũng rất dễ dàng, các file bản đồ có giao diện khá gọn nhẹ, màu sắc được sử dụng phù hợp để làm nổi bật các đối tượng địa lý. Trong mỗi bản đồ vùng kinh tế còn có nhiều hình minh họa về điều kiện tự nhiên, sự phát triển kinh tế, đặc điểm văn hóa - xã hội… giúp thu hút và tạo sự quan tâm, hứng thú cho HS trong mỗi tiết học. Không chỉ thế, phần mềm bản đồ địa lý Việt Nam đa năng của thầy Nguyễn Hoàng còn là tư liệu minh họa cần thiết cho nhiều giáo viên dạy bộ môn địa lý, nhất là các giáo viên dạy chương trình Địa lý lớp 8, 9 và lớp 12. Một số giáo viên dạy Địa lý ở Trường THCS Trần Phú cho biết, bộ bản đồ đa năng này rất tiện lợi khi sử dụng trong giờ đứng lớp. Nó giúp cho khả năng tương tác giữa giáo viên và HS tốt hơn so với dùng bản đồ giấy như trước đây, chất lượng hình ảnh, độ chính xác cũng hơn hẳn hình tư liệu tải từ trên mạng internet. Ngoài ra, nhờ bộ bản đồ này mà các giáo viên cũng tiết kiệm được nhiều thời gian khi soạn giảng.

Để có được bộ bản đồ tiện lợi nói trên, đòi hỏi người thiết kế không chỉ thành thạo các kỹ năng đồ họa trên phần mềm, sử dụng đúng cú pháp viết mã mà phải am hiểu nội dung và chương trình đào tạo của bộ môn Địa lý. Từ lúc nảy sinh ý tưởng đến khi hoàn thành bộ bản đồ Việt Nam đa năng, thầy Nguyễn Hoàng đã phải mất gần 1 năm để xây dựng, thiết kế từng file bản đồ. Đặc biệt, việc tìm kiếm những hình ảnh minh họa phù hợp và thiết kế các ký hiệu bản đồ, thầy Hoàng đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức. Nhờ ý tưởng sáng tạo trong công tác giảng dạy, bộ bản đồ Việt Nam đa năng của thầy Nguyễn Hoàng đã đạt giải nhất tại Hội thi Đồ dùng học tập tự làm cấp tỉnh ở bộ môn Địa lý và giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ IV. “Tôi đang cố gắng nghiên cứu để bổ sung và hoàn thiện thêm một số điểm trong bộ bản đồ như việc đưa các đoạn clip minh họa ngắn để chủ đề bài học thêm sinh động, gây hứng thú cho HS” - thầy Hoàng cho biết.

MAI HOÀNG