08:10, 25/10/2011

“Cẩm nang” cho việc dạy và học điện tử số

Để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học và thực hành bộ môn kỹ thuật xung, kỹ thuật số và góp phần giảm chi phí đầu tư trang thiết bị dạy học, kỹ sư Võ Duy Tâm - giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang đã tự nghiên cứu và thiết kế bộ thực tập kỹ thuật xung - số.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên (SV) học và thực hành bộ môn kỹ thuật xung, kỹ thuật số và góp phần giảm chi phí đầu tư trang thiết bị dạy học, kỹ sư Võ Duy Tâm - giáo viên (GV) Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang (CĐNNT) đã tự nghiên cứu và thiết kế bộ thực tập kỹ thuật xung - số. Không chỉ có giá thành rẻ hơn so với sản phẩm bán ngoài thị trường, bộ thực tập này còn mang lại nhiều tiện ích cho cả GV, SV trong quá trình dạy và học điện tử số.

Trong quá trình giảng dạy bộ môn kỹ thuật xung - số, hầu hết GV của Trường CĐNNT phải sử dụng các thiết bị bán trên thị trường để hướng dẫn cho SV thực hành. Các thiết bị này có giá thành khá cao nhưng lại thiếu nhiều tính năng và không thể bao quát hết chương trình học. Vì vậy, SV chỉ dừng lại ở cấp độ khảo sát, vận hành chứ không thể phân tích và khắc phục các hiện tượng hư hỏng về kỹ thuật xung - số. Là GV đã có 5 năm giảng dạy tại Khoa Điện - Điện tử, Trường CĐNNT, trực tiếp hướng dẫn SV thực hành bộ môn kỹ thuật xung - số, thầy Võ Duy Tâm (kỹ sư chuyên ngành điện tử) đã hiểu được những khó khăn mà SV gặp phải. Vì vậy, đầu năm 2010, thầy Tâm mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo nhà trường cho nghiên cứu và thiết kế một bộ thực tập kỹ thuật xung - số phục vụ việc dạy học. Thầy Tâm cho biết: “Bộ môn kỹ thuật xung - số là môn học mang tính trừu tượng cao. Nếu không có bộ thực tập, SV sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện các mạch điện số do mình thiết kế. Ngay cả GV cũng không kiểm nghiệm được kết quả chính xác khi ra các bài tập xung - số”.

 Thầy Võ Duy Tâm đang hướng dẫn cho sinh viên thực hành trên bộ thực tập kỹ thuật xung - số.

Với những thiết bị, linh kiện đơn giản, có bán rộng rãi trên thị trường, bộ thực tập đã được thầy Võ Duy Tâm thiết kế theo từng khối rất rõ ràng và trực quan. Những chức năng quan trọng của bộ thực tập gồm: Khối tạo xung chuẩn có hiển thị tần số xung, khối BreadBoard, khối led đơn, khối giải mã và led 7 đoạn, khối thực hành các mạch xung cơ bản… Các khối chức năng này được liên kết với nhau đúng với tiêu chuẩn trên thực tế. Về đặc tính kỹ thuật, khối tạo xung chuẩn có hiển thị tần số xung sẽ giúp cho người học nắm được kiến thức cơ bản đầu tiên của kỹ thuật xung, đồng thời có thể tạo ra các xung cơ bản nhất thường sử dụng trong kỹ thuật số. Người học sẽ thực hiện các mạch số trên BreadBoard và sử dụng các xung này để điều chỉnh tần số, sử dụng LCD hiển thị tần số xung. Khối led đơn được liên kết với khối BreadBoard để thực hiện những bài tập liên quan đến các mạch điện hiển thị đơn giản trên led đơn như: Mạch đèn quảng cáo, mạch điện điều khiển đóng ngắt rơle, mạch đèn điều khiển giao thông… Bên cạnh đó, khối giải mã và led 7 đoạn có thể kết hợp với khối BreadBoard để thể hiện các bài tập có liên quan đến sự hiển thị số như: Thực hiện các mạch điện đồng hồ thông dụng, các mạch điện đếm sản phẩm, thể hiện các thông số khi mạch số giao tiếp với ADC, DAC…

Ngoài việc phục vụ cho môn kỹ thuật xung - số, với các khối chức năng nói trên, bộ thực tập kỹ thuật xung - số còn có thể sử dụng cho hầu hết nội dung trong chương trình đào tạo về điện tử số như: Điện tử cơ bản, điện tử nâng cao, mạch điện tử, linh kiện điện tử... Nhờ vậy, SV có thể tự lắp đặt các mạch điện trong chương trình học bằng hệ thống BreadBoard và các linh kiện được lắp sẵn bên trong bộ thực tập. Bạn Lê Quang Công, SV Khoa Điện - Điện tử Trường CĐNNT cho biết: “Trước đây, chúng tôi vẫn hay thực hành kỹ thuật xung - số trên thiết bị nhà trường mua sẵn. Những thiết bị này không sát với nội dung lý thuyết được học nên chúng tôi chỉ biết quan sát, vận hành mà ít khi có sự cố để khắc phục và phân tích. Từ khi thực hành với bộ thực tập của thầy Tâm, chúng tôi đã có thể tự mình lắp ráp, sửa chữa những thiếu sót, hư hỏng của các loại mạch điện mà mình tự thiết kế”. Không chỉ SV mà nhiều GV cũng thường xuyên sử dụng bộ thực tập này để phục vụ công tác giảng dạy. Nhiều GV chuyên ngành Điện tử đã đánh giá cao tính sáng tạo và lợi ích mà bộ thực tập mang lại.

Sau khi được Hội đồng khoa học của trường nghiệm thu, bộ thực tập kỹ thuật xung - số của thầy Võ Duy Tâm đã được đưa vào sử dụng trong chương trình dạy học năm học 2011 - 2012. Với những lợi ích thiết thực, bộ thực tập này đã trở thành “cẩm nang” của thầy trò Trường CĐNNT trong việc dạy và học điện tử số.

MAI HOÀNG