Người hâm mộ Apple đã nóng lòng chờ đợi thời điểm “gã khổng lồ” công nghệ Apple chính thức mở bán tai nghe thực tế tăng cường (AR) có tên Vision Pro ra thị trường vào ngày 2/2.
Một số đánh giá ban đầu phàn nàn rằng sản phẩm này gây đau đầu và có thời lượng pin hạn chế, chỉ kéo dài hai giờ. Nhiều người khác lại lưỡng lự trước mức giá 3.499 USD. Dù vậy, vẫn có khoảng 200.000 chiếc đã được đặt hàng trước - tương đương 40% số lượng sản phẩm Apple dự kiến sẽ bán trong năm nay. Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của Apple đã mô tả việc dùng Vision Pro là một “khoảnh khắc gây bất ngờ”. Và người dùng sẽ chỉ có một vài khoảnh khắc như vậy trong đời.
Dù gây bất ngờ hay không, Vision Pro cũng là một phần của xu hướng đang nổi lên trong giới công nghệ.
Trước đó vào tháng 9/2023, giới đam mê công nghệ đã rất hào hứng đón chào cặp kính thông minh mới do Meta (công ty mẹ của Facebook) và thương hiệu kính mắt Ray-Ban hợp tác sản xuất. Chiếc kính này được điều khiển bằng giọng nói và có thể phát nhạc, gửi tin nhắn và quay lại mọi thứ người dùng nhìn thấy.
Hai tháng sau, Humane, một công ty khởi nghiệp do các cựu giám đốc điều hành của Apple thành lập, đã tung ra chiếc ghim cài áo Pin mà người dùng tương tác bằng giọng nói và cử chỉ tay. Sang tháng 1/2024, thiết bị điều khiển bằng giọng nói có tên r1 đã gây chú ý tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES 2024) ở Las Vegas. Nhà sản xuất của r1, công ty khởi nghiệp Rabbit đã bán được gần 100.000 sản phẩm này.
Điểm chung của tất cả các thiết bị trên là chúng không có màn hình, bàn phím và chuột. Nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, máy tính ngày càng có khả năng nghe, đọc và hiểu các nội dung tốt hơn. Điều đó có nghĩa người dùng có thể điều khiển các phần cứng bằng giọng nói, cử chỉ hoặc hình ảnh thay vì chạm vào chúng. Nói cách khác, AI đang tạo điều kiện để phát triển các sản phẩm công nghệ có hình thức mới.
Thung lũng Silicon đang cổ vũ cho xu hướng tiềm năng này. Họ tin rằng AI có thể tạo ra một thị trường mới cho sản phẩm điện tử tiêu dùng thay thế điện thoại thông minh (smartphone).
Một lý do khiến người dùng hào hứng với những thiết bị mới là vì những sản phẩm hiện thời đã không còn mấy thú vị. Theo công ty nghiên cứu IDC, 1,2 tỷ smartphone đã được bán ra trên toàn thế giới trong năm 2023, giảm 3% so với năm trước đó và là mức thấp nhất trong một thập kỷ. Doanh số bán máy tính cá nhân (PC) thậm chí còn tệ hơn, giảm 15% vào năm 2023 xuống còn 242 triệu chiếc. Người tiêu dùng đang tìm tới những lựa chọn thay thế rẻ hơn (chẳng hạn như thiết bị cũ) hoặc dùng thiết bị hiện tại của mình lâu hơn.
Giới quan sát hy vọng rằng những thiết bị hoàn toàn mới có thể thuyết phục người tiêu dùng chi tiền, vì chúng cung cấp những thứ mà những thiết bị cũ không có. Ví dụ, AI có thể giúp việc sử dụng các thiết bị trở nên liền mạch và mang tính cá nhân hơn. Người dùng có thể ra lệnh cho r1 để gọi xe, gọi đồ ăn hoặc phát nhạc mà không cần phải chuyển đổi giữa các ứng dụng. Những thiết bị này cũng sẽ học hỏi từ các hành động trước đó của người dùng.
Các tiện ích mới cũng ít phức tạp hơn trong việc phát triển và sản xuất. 10 năm trước, việc xây dựng một thiết bị công nghệ cao cần hàng trăm nhân viên. Hôm nay, công việc này chỉ mất khoảng 10 người. Mỗi bước của quá trình sản xuất đã trở nên dễ dàng hơn: Nhà phát triển có thể đưa ra những phiên bản ban đầu trong phần mềm thiết kế. Thay vì mua một chiếc máy công nghiệp để chế tạo các bộ phận nguyên mẫu, nhà sản xuất có thể đặt hàng từ các công ty in 3D. Cảm biến, pin và chip có thể được mua sẵn. Các nhà sản xuất theo hợp đồng, chẳng hạn như Foxconn, không còn khăng khăng chỉ làm việc cho những khách hàng lớn như Apple.
Hiện các thiết bị hỗ trợ AI mới được chia thành hai loại chính. Đầu tiên là tai nghe dành cho thực tế ảo hoặc tăng cường (VR và AR). Loại thứ hai bao gồm các thiết bị tinh vi hơn. Theo IDC, khoảng 540 triệu thiết bị điện tử đeo được (wearable)với tổng trị giá 68 tỷ USD đã được xuất xưởng vào năm ngoái. Chúng bao gồm tai nghe (chiếm 63% số lượng bán ra), đồng hồ thông minh (30%), thiết bị theo dõi sức khỏe đeo tay và kính thông minh như Ray-Ban của Meta.
Tất cả các thiết bị này đều tiện lợi. Nhưng liệu chúng có đủ tiện lợi để đánh bật smartphone và trở thành nền tảng lớn tiếp theo hay không lại là một vấn đề khác.
Để điều đó xảy ra, những sản phẩm đó phải vượt qua 3 thử thách. Đầu tiên, chúng phải trông đẹp mắt. Một số sản phẩm đã thất bại ngay từ sớm, chẳng hạn như chiếc kính Google Glass quá cồng kềnh. Một số khác đã rút ra được kinh nghiệm. Trước khi ra mắt thị trường, chiếc Pin của Humane đã xuất hiện trên sàn catwalk tại một sự kiện thời trang lớn ở Paris. Kính thông minh của Meta thành công một phần vì Ray-Ban biết cần làm gì để tạo ra những chiếc kính đẹp.
Thứ hai, các thiết bị mới phải hữu ích theo cách khác biệt hơn các thiết bị hiện thời. Nhiều nhà sản xuất điện tử đang bổ sung AI vào các thiết bị hiện có. Vào ngày 31/1, Samsung Electronics bắt đầu bán chiếc smartphone tích hợp AI có thể thực hiện các công việc như tóm tắt các chuỗi tin nhắn văn bản. Thế hệ máy tính xách tay (laptop) và máy tính bảng (tablet) tiếp theo của Microsoft được cho là sẽ tích hợp chip AI chuyên dụng và nút bàn phím mới để triệu hồi chatbot AI có tên “Copilot” của hãng.
Người dùng cũng sẽ mong đợi chúng thực hiện nhiều chức năng hơn, đồng nghĩa nhiều ứng dụng tương thích hơn. Tai nghe VR mới nhất của Meta, Quest 3 có thể chạy khoảng 500 ứng dụng khác nhau. Vision Pro của Apple cũng có riêng khoảng 350 ứng dụng, đồng thời có thể chạy hầu hết phiên bản dành cho iPhone của khoảng 2 triệu ứng dụng có mặt trên App Store.
Thứ ba, mặc dù mọi việc sản xuất đã trở nên dễ dàng hơn nhưng việc quản lý chuỗi cung ứng vẫn là phần khó nhất đối với một doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử. Các nhà cung cấp có thể nhận đơn hàng từ các công ty nhỏ, nhưng một số vẫn miễn cưỡng đưa ra mức giá tốt cho những công ty mới có mặt trên thị trường.
Hiện chưa có thiết bị AI hiện có nào vượt qua được cả ba thách thức trên. Những sản phẩm đẹp mắt, như Pin của Humane hoặc Ray-Bans của Meta, dường như là thiết bị bổ sung giống như tai nghe AirPods hơn là một chiếc iPhone. Những thiết bị hữu ích độc lập như Vision Pro hay Quest lại quá đồ sộ. Ngoài ra, việc phát triển ứng dụng riêng cho những thiết bị đó cũng rất tốn kém. Về chuỗi cung ứng, ngay cả “bậc thầy” Apple cũng phải thu hẹp kế hoạch xuất xưởng 1 triệu chiếc Vision Pro trong năm nay vì quá trình sản xuất phức tạp.
Nếu một số nhà sản xuất tiện ích vượt qua được cả ba rào cản này, họ có thể gặp phải một rào cản khác: theo kịp tốc độ phát triển ngoạn mục của AI. Apple đã mất bảy năm để phát triển Vision Pro, quá chậm đối với tốc độ vũ bão của AI. Ngay cả thế hệ tiếp theo của r1 cũng có thể lỗi thời vào thời điểm đến tay người dùng vào mùa Hè này.
Giới công nghệ vẫn tin rằng một trong những thiết bị AI hiện thời một ngày nào đó sẽ “truất ngôi” smartphone. Nhưng hiện tại, thiết bị đó vẫn cần thêm thời gian để định hình.
Theo txxvn.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin