16:01, 15/05/2023

Máy tính bảng ngày càng ít ứng dụng thực tế với người dùng

Suốt trong quý I-2023, thị trường máy tính bảng chứng kiến việc kinh doanh ảm đạm, phần lớn do người dùng ngày càng ít tìm thấy ứng dụng thực tế với dòng thiết bị này.

 

Máy tính bảng ngày càng ít hữu dụng với người dùng phổ thông.
Máy tính bảng ngày càng ít hữu dụng với người dùng phổ thông.

Theo số liệu của hệ thống kinh doanh ShopDunk, doanh số máy tính bảng quý I-2023 đã giảm tới 40% so với quý IV-2022. Tương tự, nhiều đại lý kinh doanh sản phẩm Apple, Samsung cũng cho biết, doanh số từ đầu quý II tới nay tiếp tục ghi nhận mức giảm khoảng 20% so với quý đầu năm.

Diễn biến này ở thị trường Việt Nam tương đồng khu vực và toàn cầu. Theo số liệu của hãng nghiên cứu Canalys, sau một quý dồn sức kích cầu để đạt mức tiến 1% mong manh hồi cuối năm ngoái, doanh số máy tính bảng toàn cầu trong ba tháng đầu năm nay đã lao dốc thảm hại, chỉ đạt 31,7 triệu chiếc, thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi Covid-19 bùng nổ vào đầu năm 2020.

Xét về từng thương hiệu, Apple vẫn là “vua máy tính bảng” với 12,4 triệu chiếc iPad tới tay người dùng. Tuy mức này giảm tới 17% so với quý đầu năm 2022, nhưng vẫn gấp đôi thành tích của vị trí thứ hai là Samsung (6,7 triệu máy, giảm 14% trong cùng kỳ). Đứng thứ ba là Amazon, với doanh số 2,5 triệu máy, giảm 30%. Lenovo chứng kiến mức giảm tới 37%, xuống còn 1,9 triệu máy bán ra trong quý đầu năm. Về phần mình, Huawei tuy chỉ suy giảm doanh số máy tính bảng 4% (1,6 triệu máy), nhưng chủ yếu nhờ vào tiêu dùng nội địa Trung Quốc bùng nổ sau khi các lệnh giãn cách được gỡ bỏ hồi đầu năm.

Điện thoại màn hình lớn, đặc biệt là điện thoại gấp, đang lấn sân máy tính bảng.
Điện thoại màn hình lớn, đặc biệt là điện thoại gấp, đang lấn sân máy tính bảng.


Theo các nhà phân tích, dù mức suy giảm nhu cầu trong quý đầu năm là quy luật được dự báo trước, việc lạm phát tăng cao và sụt giảm chi tiêu đã “đổ dầu vào lửa”, có xu hướng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu về máy tính bảng như một công cụ làm việc trong giai đoạn đại dịch hoành hành tới nay cũng không còn, khiến thị trường sản phẩm này mất đi một động lực tăng trưởng.

Để ứng phó, các nhà sản xuất gần đây có xu hướng tập trung vào các dòng sản phẩm cao cấp với màn hình tốt hơn, bộ xử lý nhanh hơn, song song bổ sung hàng loạt tính năng, tiện ích mới giúp cải thiện trải nghiệm. Một số thương hiệu đạt thành công nhất định trong việc tung ra các máy tính bảng “lai”, có thể phục vụ nhu cầu giải trí và làm việc cùng lúc.

Nhận định về giai đoạn tới, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng một lĩnh vực có thể giúp máy tính bảng duy trì doanh số là giáo dục và dịch vụ, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Một số ý kiến cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp có xu hướng số hóa hệ thống sản xuất, nhà xưởng… sẽ gia tăng nhu cầu mua sắm máy tính bảng trong vai trò thiết bị điều khiển, quản trị…

Theo hanoimoi.com.vn