Đến hẹn lại lên, nắng lại “áp bức” làn da vào dịp hè về. Bạn có than phiền, bực bội hay gắt gỏng thì cái nắng vẫn không vì thế mà bớt gay gắt.
Vì thế hãy thử làm bạn với nắng, bạn vẫn có thể an toàn và đẹp theo cách của riêng mình...
Đến hẹn lại lên, nắng lại “áp bức” làn da vào dịp hè về. Bạn có than phiền, bực bội hay gắt gỏng thì cái nắng vẫn không vì thế mà bớt gay gắt.
Vì thế hãy thử làm bạn với nắng, bạn vẫn có thể an toàn và đẹp theo cách của riêng mình.
Các yếu tố ảnh hưởng lên da gồm ánh nắng mặt trời, sức nóng, gió, bụi, nước hồ bơi, nước biển, máy điều hoà… Ngay cả những ngày có mây, mát trời hoặc u ám, tia cực tím (UV) vẫn tác động lên da người do phản xạ từ cát, nước, bêtông, tuyết, gây phỏng nắng và thương tổn da. Những hiệu quả mãn tính mà tia UV gây ra có ung thư da gồm ung thư tế bào đáy; ung thư tế bào gai; u hắc tố ác tính.
Như vậy, việc chăm sóc da đúng cách là điều quan trọng để có làn da đẹp, khoẻ. Theo BS Võ Thị Bạch Sương và BS Phạm Thị Tiếng, giảng viên ĐH Y dược TP.HCM, về cơ bản, chăm sóc da mùa nắng vẫn tuân theo những cách thức thông thường như bảo vệ da tránh nắng, làm sạch da, giữ ẩm cho da và dùng kem chống nắng.
Tránh nắng
Bảo vệ da khi đi nắng bằng quần áo dài tay, ô dù, nón rộng vành, kính râm. Trang phục sậm màu, che càng nhiều phần cơ thể càng tốt. Các chất liệu sợi gai, lanh, jean có khả năng chống nắng tốt dù ít thấm mồ hôi. Đa số sợi cotton/polyester có khả năng chống 95% tia UV, nhưng khi bạc màu hoặc ướt, chức năng này giảm.
Giới hạn phơi nắng hoặc tránh ra nắng từ 10g sáng đến 4g chiều và luôn ở dưới bóng râm vì bóng râm giúp giảm 75% tia UV.
Da sạch
Mùa nóng, da tiết nhiều mồ hôi, bụi bẩn dễ bám nên việc giữ da sạch, thoáng giúp ngăn ngừa một số bệnh về da.
Đối với người thường xuyên trang điểm, nên chọn sản phẩm tẩy trang chung cho mắt, môi, da mặt để tẩy trang sạch sẽ trước khi đi ngủ. Nên dùng các loại sữa tắm dầu gội dịu nhẹ, có chất giữ ẩm cho da, sau khi da tiếp xúc với nước có quá nhiều chất tẩy, thuốc sát trùng như hồ bơi hoặc quá mặn như nước biển, nhưng lưu ý đừng tẩy sạch da quá mức khiến mất lớp chất béo bảo vệ da.
Chọn sản phẩm làm sạch da tuỳ theo loại da (dầu, khô, hỗn hợp hay bình thường), vị trí da trên cơ thể, tình trạng da (có mụn, nám, lão hoá, gầu, dị ứng, huyết trắng), lứa tuổi, giới tính người dùng.
Giữ ẩm
Sản phẩm giữ ẩm da cũng phụ thuộc vị trí cơ thể, mức độ da khô, có thể được kèm trong các sản phẩm làm sạch, dưỡng da, trang điểm. Lưu ý có những sản phẩm có thể là nguyên nhân gây mụn, dị ứng da, viêm nang lông. Nên chọn chất giữ ẩm không chứa hương liệu, chất bảo quản, chất màu, nhất là đối tượng bị viêm da cơ địa (chàm).
Trong mùa nắng, những sản phẩm dùng trực tiếp lên da như son phấn, kem dưỡng, khử mùi, dầu gội, sữa tắm nên có mùi dịu nhẹ, tránh gây dị ứng, viêm da ánh sáng, sạm da.
Kem chống nắng
Dù tốt, kem chống nắng cũng không bảo vệ được da 100%, chú ý sử dụng kem đúng cách, đúng thời gian, đúng mục đích. Xem chỉ số SPF (tỷ lệ lượng UV cần thiết tạo hồng ban tối thiểu trên vùng da thoa kem chống nắng với lượng năng lượng cần thiết để tại hồng ban tương tự trên vùng không thoa thuốc, kem chống nắng ít nhất là SPF 15).
Thoa kem lên vùng tiếp xúc ánh nắng 15-30 phút trước khi ra nắng và thoa lại khi cần (sau khi bơi lội, lau, chà xát mạnh). Nhưng hiện nhiều tác giả khuyên thoa lại sau mỗi hai giờ để duy trì hiệu quả. Theo FDA phải dùng 2mg/cm2 da. Người lớn phải dùng 30ml kem. Đối với phấn dùng cho 600cm2 cần 1,2g, trong khi hầu hết mọi người hiện chỉ dùng khoảng 0,085g.
Tác dụng của kem chống nắng tuỳ thuộc loại da, sự hấp thu sản phẩm, lượng kem, cách dùng, hoạt động khi thoa thuốc. Hiệu quả của phòng chống ung thư của kem chống nắng trên người chưa có đủ chứng cứ phòng ngừa u hắc tố ác tính ở da và ung thư tế bào ở đáy da. Tuy nhiên, có chứng cứ giới hạn về phòng ngừa ung thư tế bào gai ở da người Bảo vệ môi bằng son có chất chống nắng với chỉ số SPF từ 15 trở lên. Hiện đa số son ẩm môi có titanium dioxide và có khả năng chống nắng khoảng 8 SPF.