Tôi gọi điện về nhà đúng vào bữa cơm chiều của ba mẹ ở quê. Mẹ bảo: "Ước gì các con cứ nhỏ mãi như ngày xưa. Bữa cơm gia đình xưa đầm ấm, sum vầy là thế, giờ chỉ còn lại hai thân già". Nghe mẹ nói, tôi thấy bùi ngùi. Phần vì thương ba mẹ, phần lại nao nao nhớ về những bữa cơm nhà ngày xưa.
Tôi gọi điện về nhà đúng vào bữa cơm chiều của ba mẹ ở quê. Mẹ bảo: “Ước gì các con cứ nhỏ mãi như ngày xưa. Bữa cơm gia đình xưa đầm ấm, sum vầy là thế, giờ chỉ còn lại hai thân già”. Nghe mẹ nói, tôi thấy bùi ngùi. Phần vì thương ba mẹ, phần lại nao nao nhớ về những bữa cơm nhà ngày xưa.
Cơm nhà là hạnh phúc, là yêu thương, là tình cảm gia đình. Tuy có thể đơn sơ với mắm muối, dưa cà nhưng lúc nào cũng tròn vị. Nó trở thành ao ước, niềm mong đợi của biết bao người. Ai đã từng được thưởng thức những bữa cơm nhà mới thấy rưng rưng xúc động vì biết mình còn thật diễm phúc, may mắn. Nó đậm vị yêu thương, dẫu đi bất kỳ nơi đâu ta cũng không dễ gì có được.
Tôi nhớ những bữa cơm nhà ngày ấu thơ, khi mấy chị em tôi còn quần đùi, áo chẽn, chân đất đầu trần. Cái thời khó khăn, bữa ăn còn chưa đủ no; áo quần không đủ mặc. Cái thời mẹ nấu cơm bằng rơm rạ, bằng củi khô với ống thổi lửa, với đôi đũa cả, với lem nhem khói và cay xè khóe mắt. Những bữa cơm nhà sau một ngày chăn trâu cắt cỏ, tưới rau trên đồng làng hoặc sau cuộc chơi mải mê cùng đám bạn về. Tiếng mẹ gọi vang từ đầu ngõ “Về ăn cơm!”, tiếng leng keng bát đũa, mùi thơm dẻo của chén cơm trắng, vị đậm đà của chén cà muối chấm mắm, vị thanh mát của tô canh rau tập tàng… là bao cảm xúc sướng ran đến khó tả.
Những bữa cơm nhà, tôi nhận ra vị yêu thương không nằm ở món ăn cầu kỳ, sang trọng, mà chính ở tấm lòng của người nấu. Tôi hiểu vì sao, bà và mẹ tôi thường là những người nội trợ chính. Những bữa cơm bà và mẹ nấu đều rất ngon, hợp khẩu vị của cả nhà. Trong bữa ăn, người ngồi đầu nồi cũng thường là bà, là mẹ, những người không chỉ làm nhiệm vụ xới cơm cho cả nhà mà còn đóng vai trò kết nối, giữ lửa. Sự vun vén, chu toàn của họ chính là thước đo quan trọng để níu giữ sợi dây gia đình càng thêm bền chặt.
Những bữa cơm nhà, anh em tôi còn được ông bà, cha mẹ dạy cho biết văn hóa ứng xử, như là cách để giữ lấy nếp nhà. Chúng tôi biết cách mời chào khi ăn; biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; biết kính trên nhường dưới; biết sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn... Bữa cơm nhà là minh chứng cho sự hòa hợp, hạnh phúc. Đó chính là không gian ấm áp và an toàn mà tất cả mọi người đều mong có được.
Trong tâm thức của mỗi người đi xa, hầu như ai cũng mong ngóng và hướng về cội nguồn, về những bữa cơm nhà. Dẫu bôn ba, xuôi ngược; dẫu bận trăm công ngàn việc thì những ngày giỗ chạp, cuối tuần hay lễ, Tết… ai nấy lại rủ nhau về để được ăn cơm nhà. Những bữa cơm như thế đâu chỉ góp phần lưu giữ nếp nhà. Đó còn là truyền thống văn hóa bao đời của dân tộc. Những bữa cơm nhà giúp ta biết yêu thương, đùm bọc; biết trân trọng, giữ gìn những điều tốt đẹp.
Nhiều người ao ước muốn có được một bữa cơm nhà nhưng lại chẳng thể nào có được. Nhiều người lại chỉ thích ăn nơi quán xá cho tiện. Cũng có người lại xem nhẹ những bữa cơm từ chính đôi tay người thân mình nấu. Nhưng rồi sau tất cả họ nhận ra rằng, không gì bằng những bữa cơm nhà. Và hạnh phúc cũng chính là nhà, là bữa cơm gia đình đầy ắp tiếng cười.
Lập nghiệp xa nhà bao năm, tôi càng biết trân quý những phút giây được ở bên gia đình, bên mâm cơm nhà giản dị mà đầm ấm. Nghe bạn khoe bữa cơm nhà bạn với đầy đủ các thành viên, ai nấy vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ, bỗng lại thấy chạnh lòng. Và lại thèm được về ăn một bữa cơm nhà ngay lúc này!
An Viên