10:02, 15/02/2022

Hương vị quê nhà: Quà quê

Một buổi trưa, tôi vừa ăn cơm xong thì đứa cháu mang ra mấy cái bánh ống để trên bàn, mời tôi tráng miệng. Tôi cầm cái bánh lên cắn một miếng, vị ngọt thanh của đường phèn, béo béo bùi bùi của bột gạo và đậu xanh tan trong miệng.

Một buổi trưa, tôi vừa ăn cơm xong thì đứa cháu mang ra mấy cái bánh ống để trên bàn, mời tôi tráng miệng. Tôi cầm cái bánh lên cắn một miếng, vị ngọt thanh của đường phèn, béo béo bùi bùi của bột gạo và đậu xanh tan trong miệng. Mấy đứa cháu chụm đầu vào nhau, vừa ăn bánh vừa tám đủ thứ chuyện trên đời, chẳng quan tâm gì đến “bà thím” đang cầm chiếc bánh ống trên tay mà ngẩn ngơ nhớ về món quà quê gắn với những ngày thơ bé.


Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo miền trung du Bắc bộ. Thuở ấy, quê tôi còn nghèo lắm, gần như nhà nào cũng năm nắng mười mưa mà chạy ăn từng bữa. Lũ trẻ con chúng tôi lớn lên với những bữa cơm gạo ít, khoai sắn thì nhiều. Quà quê chủ yếu là những cây trái trong vườn. Đứa nào sang lắm thì được bố mẹ mua cho vài viên kẹo màu được gói trong những mảnh giấy kiếng lấp lánh, giấu trong áo rồi mang đi khoe khắp xóm. Duy chỉ có món bánh ống hầu như không đứa nào thiếu. Đó là món bánh được làm từ những nguyên liệu đơn giản là gạo và đường, dạng ống tròn, bên trong rỗng. Quê tôi có gốc gạo rất to ở đầu làng, đó là nơi buổi sáng mọi người tập trung buôn bán trao đổi thực phẩm, buổi trưa lũ trẻ con trốn ngủ ra tụ tập. Bọn con trai chơi bắn bi, con gái chơi chuyền, nhảy lò cò. Cứ khoảng năm hoặc bảy ngày, những cuộc chơi của trẻ con gián đoạn bởi tiếng rao thân thuộc mà đứa nào cũng ngóng: “Lấy gạo ra chợ Cây Gạo xay bánh ống”. Chỉ cần tiếng rao ấy cất lên là lũ trẻ nhao lên, dáo dác tìm nào rổ, nào túi ni lông để đựng bánh trong khi mẹ tất tả xúc gạo, mua đường, nhà nào sang lắm thì có thêm ít đậu xanh, rồi đi bộ ra gốc gạo đầu làng, nơi có chiếc máy xay bánh ống đang nổ phành phạch và đám trẻ con lao nhao đợi chờ.


Cái thú đi xay bánh ống của chúng tôi ngày ấy không chỉ là để được ăn bánh mà là để nhìn quá trình làm bánh. Đối với chúng tôi, đó là những gì rất thần kỳ. Gạo và đậu xanh, thêm ít đường trộn đều lên, đổ vào cối và ngay sau đó là một dây bánh giòn tan trôi ra. Người thợ nổ bánh dùng cây kéo cắt thành từng khúc khoảng hai gang tay, còn chúng tôi đứng xếp hàng canh chờ đến lượt mình để nhặt từng ống bánh bỏ vào rổ, vào túi một cách thận trọng vì sợ bánh giòn sẽ vỡ tan. Chỉ cần nổ khoảng nửa cân gạo thôi là chúng tôi có bánh ăn vặt cả chục ngày. Bánh thì nhiều, nhưng chúng tôi chẳng đứa nào ăn những ống bánh tròn, đẹp trước mà chỉ giành nhau những ống bánh cưng cứng, queo quắt lại vì đó là chiếc bánh có nhiều đường nhất, ngọt nhất. Lũ trẻ chúng tôi thuở ấy ngày nào cũng ăn bánh ống mà không biết chán bởi thức quà quê đơn giản ấy không phải lúc nào cũng có mà mỗi tháng chỉ đôi ba lần nên chúng tôi đứa nào cũng phải ăn dè chừng.


Thời gian trôi qua, cuộc sống ngày một khá hơn. Nhiều loại bánh kẹo công nghiệp lên ngôi thay thế những thứ quà quê hôm nào. Những tiếng rao quen thuộc dần thưa, chiếc bánh ống cũng dần xa với cuộc sống vội vàng của hiện tại. Và mỗi khi cầm trên tay thức quà quê giản dị ấy, lòng tôi lại thổn thức nhớ về những tháng ngày thơ ấu đã qua.

 
Tạ Hương Nhuận