Khi đi xa, người ta nhớ về mảnh đất nuôi mình khôn lớn không phải cái gì cao siêu, mà chính là những thứ dân dã nhất, như những ngọn đọt bí hay chiếc bánh bò, bánh ú - những thứ mà ở thành phố cũng có. Nhớ, bởi nó gắn với kỷ niệm, với những câu ca dao thuộc từ hồi còn ngồi trên lưng trâu, hay bắt dế nơi bờ ruộng.
Khi đi xa, người ta nhớ về mảnh đất nuôi mình khôn lớn không phải cái gì cao siêu, mà chính là những thứ dân dã nhất, như những ngọn đọt bí hay chiếc bánh bò, bánh ú - những thứ mà ở thành phố cũng có. Nhớ, bởi nó gắn với kỷ niệm, với những câu ca dao thuộc từ hồi còn ngồi trên lưng trâu, hay bắt dế nơi bờ ruộng. Bánh ú tro là một trong những thứ đã đi vào nỗi nhớ, in đậm trong những câu ca dao mộc mạc, ấy là: “Nhớ quê nhớ miếng bánh bò/Nhớ từng chiếc bánh ú tro mẹ làm/Nhớ đọt bí, nhớ rau sam/Nhớ chiều đốt cỏ, khói lam trên đồng”.
Bánh ú tro thường được làm vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), ngày rằm hay mùng một âm lịch hàng tháng. Nguyên liệu chính của bánh chỉ có gạo nếp, nhưng làm ra được chiếc bánh là cả một quá trình. Đặc biệt muốn cho bánh ngon, tro ngâm gạo phải là tro đốt từ thân cây mè. Dì Chín quê tôi làm bánh này giỏi lắm. Hồi ấy, thấy chúng tôi thích ăn bánh ú tro, mẹ đã “tầm sư học đạo”, đến xin dì phụ việc để học làm bánh. Lúc đầu, bánh mẹ làm chưa được ngon, nhưng càng về sau bánh càng ngon.
Sau khi chuẩn bị nếp (nếp hạt mẩy và thơm), lá sậy (hái ở trong rừng, nếu không có thì dùng lá dong), mẹ đem cây mè khô đi đốt. Tro đốt xong, đổ vào chậu nước, khuấy đều cho đến khi tro tan ra và chìm xuống, đợi nước trong thì chắt ra. Lấy nếp ngâm vào nước tro (đã lắng) một ngày, sau đó vớt ra, vo lại cho sạch, rồi đổ vào rổ cho ráo. Bánh ú tro không có nhân nhưng gói cho đẹp không dễ chút nào. Bánh có hình chóp nhiều góc cho nên khi gói phải lắc nếp trong lá sao cho thật đều, buộc cho chặt tay. Gói xong, mẹ buộc 2 cái thành 1 cặp, rồi cho vào nồi nấu 4 - 5 tiếng là được. Chúng tôi ngồi quanh nồi bánh, háo hức đợi mẹ vớt ra. Bánh chín, vớt ra nóng hổi. Mùi thơm của nếp và mùi hăng hăng rất độc đáo của tro quyện vào trong bánh. Bánh ú có màu vàng nhạt, dẻo và mềm, ăn ngon làm sao!
Bây giờ mẹ đã già, không làm bánh được nữa. Thỉnh thoảng, mẹ tôi vẫn bảo: “Hồi trước ăn bánh ú tro ngon hơn bởi tro được đốt từ thân cây mè. Bây giờ bánh không ngon bằng nhưng mẹ vẫn rất thích”. Tôi cười và nói: “Bánh mua có ngon mấy, con cũng không thích ăn bằng bánh mẹ làm!”. Mẹ tôi nghe vậy vui lắm, bởi bà biết chiếc bánh ú tro thuở nhỏ đã in rất đậm trong ký ức của tôi.
T.G