09:11, 10/11/2014

Bí quyết nấu cháo ngon

Đừng lầm tưởng nấu nồi cháo thơm ngon là dễ. Mỗi loại cháo có cách nấu riêng, bạn hãy nhanh tay "bỏ túi" những bí quyết sau để có thể trổ tài mời mọi người thưởng thức.

Đừng lầm tưởng nấu nồi cháo thơm ngon là dễ. Mỗi loại cháo có cách nấu riêng, bạn hãy nhanh tay “bỏ túi” những bí quyết sau để có thể trổ tài mời mọi người thưởng thức.

  Cháo trắng

- Nguyên liệu: Nên lựa gạo thật ngon, loại gạo mới, dẻo và thơm để nấu, cháo sẽ có vị béo ngọt và hương thơm của gạo. Gạo nở và khô hạt sẽ cho một nồi cháo nhạt nhẽo.

 


- Nồi nấu: Nồi nấu cháo lý tưởng nhất là nồi có đế dày, nồi đất hoặc không dính, miệng nhỏ thành cao, khi nấu cháo mới không bị sôi trào hoặc dính đáy. Dùng nồi áp suất hoặc nồi cơm điện nấu cháo cũng ngon, nhưng phải khéo canh lửa và nước để cháo không bị trào.

- Nước: Nước thường được canh theo tỷ lệ một gạo ba nước, nồi cháo sẽ vừa ngon. Nấu nước hơi nóng mới đổ gạo vào. Ngoài ra, khi nấu nếu cần thêm nước, nên chờ nước gần cạn mới cho vào và chỉ đổ nước sôi, nếu đổ nước lạnh cháo giảm mất hương vị.

- Lửa: Đầu tiên để lửa to cho cháo sôi bùng vài dạo, rồi hạ lửa vừa để nấu đến khi gạo nở bung.

- Cách nấu: Khi nấu không đậy nắp để tránh cháo bị trào. Cháo sôi mới dùng vá lớn để khuấy cho gạo không dính nồi. Chỉ khuấy theo một chiều và thỉnh thoảng mới khuấy một lần. Khi gạo nở, khuấy thêm vài vòng rồi tắt lửa, để yên trên bếp, đậy nắp lại ít nhất 30 phút cháo mới ngon.

- Nếu thích mùi thơm nồng, cháo sôi cho lá dứa vào nấu cùng, khi cháo nở thì vớt lá dứa ra bỏ.

Cháo thịt

Muốn nấu cháo gà hay vịt ngon, sau khi vo sạch gạo nên để ráo, trộn với chút muối rồi rang sơ qua cho hạt gạo trở nên trong, khi nấu, hạt gạo mềm nhừ mà không bị ra nhựa.

- Gà, vịt rửa sạch, thả vào nồi nước hơi nóng luộc chín, khi luộc cho gừng đập giập hoặc gừng cắt lát vào, vừa tạo mùi thơm, giúp vừa ấm bụng. Vớt gà, vịt ra để riêng, cho gạo vào nấu cháo với lửa to, gạo sôi vặn lửa nhỏ lại, nấu tiếp đến khi cháo nở bông thì để lửa liu riu giữ cháo nhừ và nóng.

- Cháo gà, vịt thường ăn hơi loãng nên cần canh nước khéo, một lượng gạo khoảng bốn hay năm lượng nước.

Nếu nấu cháo sườn, giò heo thì trụng sơ thịt qua nước sôi cho sạch rồi thả vào nồi gạo để nấu. Khi nấu cho thêm ít muối, hầm cháo đến khi chín nhừ là được. Vào những ngày thời tiết giao mùa, dùng cháo sườn hoặc cháo cá để giải cảm rất tốt, bằng cách ăn cháo nóng, cho thêm lá tía tô cắt nhỏ và gừng cắt sợi vào, rắc tiêu thật nhiều.

Cháo thủy sản

- Thủy sản nhiều đạm nhưng nấu lâu dễ bị mất chất, lại khô cứng không ngon. Vì vậy, cần nấu cháo riêng trước, khi ăn mới cho thủy sản vào.

- Để tăng vị đậm đà cho cháo thủy sản, có thể hầm xương lấy nước dùng, sau đó lấy nước này nấu cháo, khi cháo sôi cho vài giọt dầu ăn vào, cháo sẽ thơm béo. Ngoài ra, có thể cho cà rốt và nấm vào nấu cùng để cháo tăng thêm hương vị và giảm mùi tanh của thủy sản.

- Thủy sản cần rửa sạch với muối và gừng để khử mùi tanh. Trước khi ăn, để cháo thật sôi, cho gừng cắt sợi vào cháo rồi mới thả thủy sản vào, khuấy nhanh rồi tắt bếp ngay để thủy sản không bị nát và tươi ngon.

- Không nêm cháo với nước mắm, cháo có vị chua. Nếu cháo lạt thì khi ăn mới cho thêm nước mắm vào tô và ăn ngay.

P.V (St)