Củ gừng là thảo dược luôn luôn có trong gian bếp của mỗi gia đình. Trong thành phần của củ gừng có chứa một số hợp chất quan trọng vừa giúp cơ thể khỏe mạnh vừa giúp da đẹp, tóc đen...
1. Tác dụng của củ gừng trong làm đẹp
- Làm đẹp tóc: Các dưỡng chất có trong củ gừng như photpho, kẽm, vitamin... giúp phục hồi mái tóc bị khô xơ, chẻ ngọn... Gừng còn giúp lưu thông máu huyết bên trong da đầu, kích thích tóc mọc dày, sáng bóng, hồi phục lại độ ẩm của mái tóc.
Có thể sử dụng gừng tươi làm nguyên liệu kết hợp với một số loại thảo dược khác như vỏ bưởi, bồ kết... để đun nước gội đầu. Hoặc dùng tinh dầu gừng được chiết xuất để xoa bóp da đầu, dùng dầu gội đầu có chiết xuất từ gừng sẽ giúp tóc mọc nhanh, khỏe...
Sử dụng củ gừng làm nguyên liệu trong nhiều cách làm đẹp... |
- Làm đẹp da: Trong củ gừng có khoảng 40 hợp chất chống oxy hóa, giúp chống lại các gốc tự do, bảo vệ da khỏi tác hại của môi trường, tia UV. Các chất này cũng cải thiện độ đàn hồi da, làm chậm quá trình lão hóa, cải thiện sắc tố da rất hiệu quả.
- Trị mụn trứng cá: Gừng có tác dụng kháng viêm, giúp làm dịu mụn trứng cá và kích ứng da, mang lại làn da khỏe mạnh. Những hợp chất có tính sát khuẩn có trong gừng sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn trên bề mặt da và ẩn sâu trong lỗ chân lông, giúp loại bỏ nguy cơ trứng cá.
Ngoài ra, gừng có chứa nhiều khoáng chất có lợi như K, Ca, Mg, Fe cùng các vitamin A, vitamin B, vitamin C, vitamin E. Các chất này sẽ giúp làm mờ các vấn đề sẹo thâm, sẹo mụn rất tốt.
- Giúp cải thiện tình trạng da sần vỏ cam: Có thể dùng gừng làm nguyên liệu để tạo thành hỗn hợp tẩy tế bào chết tự nhiên, kích thích tuần hoàn máu, giảm chứng da sần vỏ cam hiệu quả.
Duy trì thói quen thoa hỗn hợp gồm gừng, chanh, đường và dầu ô liu lên vùng da sần 2-3 lần/tuần sẽ giúp làn da sáng mịn.
2. Tác dụng khác của gừng
- Giảm đau: Trong thành phần của gừng giàu các chất: Vitamin C, vitamin B6, magie, kali, đồng... Ngoài ra còn có các chất như gingerol, shogaol, chất chống oxy hóa... Các chất này đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm gốc tự do, được biết đến là gây tổn thương tế bào và viêm nhiễm. Viêm nhiễm là phản ứng của cơ thể để ngăn ngừa tổn thương, thường dẫn đến đau và sưng.
Gừng thường được dùng để giúp làm dịu đau cơ bắp, đau nhức xương khớp; giảm đau hiệu quả cho phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt (giảm đau do co thắt khi tới kỳ kinh nguyệt). Vào ngày đầu và ngày thứ 2 của kỳ kinh nguyệt, nếu thấy đau bụng nhiều có thể uống 2-3 cốc trà gừng ấm sẽ giúp giảm đau hiệu quả.
Gừng tươi hay gừng khô đều có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. |
- Cải thiện hệ tiêu hóa: Gừng tươi có vị cay, tính ấm... có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, gia tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn, giảm áp lực trong đường tiêu hóa và làm dịu dạ dày. Từ đó, giúp giảm cảm giác buồn nôn, giảm đầy hơi, chướng bụng.
Có thể nhấm nháp một lát gừng tươi hoặc uống ngay một cốc trà gừng ấm khi có các biểu hiện khó chịu ở đường tiêu hóa nêu trên. Khi uống, tùy khẩu vị có thể thêm một chút mật ong, chanh...
- Hỗ trợ giảm cân: Gừng có khả năng thúc đẩy quá trình sinh nhiệt, hỗ trợ quá trình trao đổi chất. Uống nước gừng khi đói có thể giúp khởi động quá trình và hỗ trợ đốt cháy mỡ thừa.
Nước gừng còn giúp kiềm chế cảm giác thèm ăn do giảm cảm giác đói. Từ đó giúp tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh hơn và tăng hiệu quả cho quá trình giảm cân.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin