09:45, 29/11/2024

Phát hiện sớm tụ máu não ở người cao tuổi

Tụ máu não là một vấn đề nghiêm trọng xuất hiện khi các mạch máu lớn trong não bị vỡ và gây ra xuất huyết, tạo thành khối máu tụ trong não.

Nguyên nhân gây tụ máu não

Tụ máu não có thể xuất phát từ nguyên nhân các mạch máu trên vỏ não ở người lớn tuổi trở nên yếu hơn khiến chúng dễ bị tổn thương và gây chảy máu hơn. Mặt khác càng lớn tuổi thì não sẽ bị teo nhỏ, làm khoảng cách giữa nhu mô não và hộp sọ tăng lên, điều này làm căng các mạch máu và khi bị chấn thương ở đầu sẽ làm cho chúng dễ bị tổn thương và gây chảy máu.

Nguyên nhân có thể là do tai nạn, chấn thương đầu hoặc xuất huyết não do đột quỵ . Tụ máu não có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Vì vậy, khi gặp va chạm hoặc chấn thương đầu, việc đến cơ sở y tế để kiểm tra và tìm hiểu các dấu hiệu của tụ máu não là cần thiết.

Tình trạng tụ máu não có thể phổ biến hơn ở một số nhóm người, đặc biệt là trong trường hợp tụ máu dưới màng cứng, ngay cả khi chấn thương đầu nhẹ. Các nhóm người sau đây có nguy cơ cao hơn đó là người trên 60 tuổi, người lạm dụng rượu bia, người đã từng bị chấn thương đầu nhiều lần...

Tụ máu não là một vấn đề nghiêm trọng xuất hiện khi các mạch máu lớn trong não bị vỡ và gây ra xuất huyết.
Tụ máu não là một vấn đề nghiêm trọng xuất hiện khi các mạch máu lớn trong não bị vỡ và gây ra xuất huyết.

Biểu hiện khi bị tụ máu não

Tùy từng nguyên nhân cụ thể mà các biểu hiện tụ máu não sẽ có diễn biến khác nhau. Các dấu hiệu tụ máu não do chấn thương ở người cao tuổi thường không rõ ràng trong thời gian đầu, chúng thường xuất hiện sau 2 đến 3 tuần sau chấn thương vùng đầu, nhưng cũng có thể xuất hiện sau vài tháng đến một năm. Ngoài ra, dấu hiệu tụ máu não ở người già còn do các nguyên nhân khác như đang điều trị thuốc kháng đông máu thì rất khó nhận biết, vì có thể bị nhầm lẫn với sa sút trí tuệ hoặc thiếu máu não thoáng qua.

Các biểu hiện của tụ máu não thường xảy ra nhanh hơn ở người già do đột quỵ xuất huyết não, vỡ phình hoặc dị dạng mạch máu não. Áp lực của khối máu tụ lên não sẽ tăng dần theo thời gian, dẫn đến một số triệu chứng như: Đột ngột đau đầu dữ dội. Buồn nôn, nôn ói. Buồn ngủ bất thường. Lú lẫn, chóng mặt. Đồng tử 2 bên mắt có kích thước không bằng nhau.

Ngoài ra, các biểu hiện khác như: Yếu liệt một vùng hoặc một bên của cơ thể. Suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ tạm thời. Gặp khó khăn trong việc di chuyển. Thường xuyên thay đổi tâm trạng. Mũi, tai có hiện tượng chảy dịch hoặc máu.

Lượng máu tụ ở nội sọ cao có thể gây chèn ép không gian giữa não và hộp sọ nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng tụ máu não nghiêm trọng hơn như hôn mê, mất ý thức và co giật có thể xuất hiện ở người cao tuổi sau đó. Do vậy, người cao tuổi cần lưu ý các dấu hiệu nghi ngờ và đến bệnh viện ngay lập tức để giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Lời khuyên thầy thuốc

Đối với người cao tuổi, để phòng và giảm nguy cơ bị tụ máu não là: Sử dụng các đồ dùng hỗ trợ để di chuyển như gậy, xe tập đi, xe lăn… Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng các phương tiện như xe đạp, xe đạp điện, xe máy và thắt dây an toàn khi ngồi trong xe ô tô.

Kiểm tra thị lực định kỳ để hạn chế nguy cơ té ngã do khả năng nhìn bị suy giảm. Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/lần để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời các tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến tụ máu não như tăng huyết áp , dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não, đột quỵ.

Người cao tuổi đang sử dụng thuốc chống đông máu cần trao đổi chi tiết với bác sĩ điều trị của mình về việc phòng tránh nguy cơ bị tụ máu não.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng chuyên biệt để hỗ trợ nâng cao sức khỏe tổng thể cho người cao tuổi, từ đó hạn chế tình trạng té ngã do suy nhược cơ thể.

Riêng đối với người lớn tuổi mắc phải các bệnh lý như tiểu đường, bệnh về tim mạch , bệnh tuyến giáp, bệnh về dây thần kinh, bệnh mạch máu… có thể dễ bị mất thăng bằng, chóng mặt dẫn đến té ngã hơn người khác. Do đó, để phòng tránh nguy cơ bị tụ máu não, người cao tuổi cần kiểm soát tốt các bệnh lý này.

Theo Gia đình & Xã hội