Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của nhiều người lao động không tăng hoặc tăng không đáng kể, trong khi giá cả hàng hóa, dịch vụ có xu hướng ngày càng tăng, nhiều người phải tính toán cân đối lại chi tiêu, thay đổi thói quen mua sắm để cân bằng bài toán sinh hoạt phí trong gia đình.
Chủ động hạn chế chi tiêu
Tối 13-8, tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Phú Nông, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang, không khí mua sắm có phần nhộn nhịp hơn thời gian trong ngày. Tại quầy hàng thực phẩm tươi sống, rau củ và trái cây, các tờ thông báo màu vàng được nhân viên dán bắt mắt với giá cả hấp dẫn, có nhiều loại mua 1 tặng 1 hoặc giảm giá một nửa so với giá niêm yết trong ngày. Các nhân viên liên tục phát đi thông báo các mặt hàng giảm giá sâu nhằm thu hút khách hàng. Lựa từng cây cải thìa được giảm giá hơn một nửa, bà Nguyễn Thị Lan (xã Vĩnh Ngọc) chia sẻ: “Thu nhập của các thành viên trong gia đình tôi hiện vẫn ổn định, nhưng nếu chi tiêu như trước thì lại không đủ, bởi hiện nay, không chỉ nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng giá mà các chi phí khác như: Tiền điện; khám, chữa bệnh; xăng xe; gas… cũng tăng nên đã đội chi phí tăng lên rất nhiều. Tôi đành phải tự cân đối chi tiêu sao cho hợp lý mà vẫn giữ được chất lượng bữa ăn cho các thành viên trong gia đình. Do đó, tôi thường canh mua hàng giảm giá của các cửa hàng, siêu thị và thời điểm giảm sâu nhất thường sau 18 giờ đối với hàng tươi sống, rau củ bán trong ngày”.
Người dân mua hàng tại cửa hàng Bách hóa xanh ở xã Vĩnh Ngọc tối 13-8. |
Thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Bảy (xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) cũng đã thay đổi thói quen đi chợ. Trước đây, bà thường tranh thủ đi chợ truyền thống từ sáng sớm thì nay cuối giờ chiều trên đường đi làm về, bà mới ghé qua các cửa hàng bách hóa, siêu thị mua thức ăn. Bà Bảy cho biết: “Tôi cài app của một số cửa hàng, siêu thị vào điện thoại, khi có thông báo chương trình giảm giá giờ vàng, tôi thường ghé mua. Săn hàng giảm giá trong các cửa hàng bán lẻ, siêu thị vừa rẻ, vừa đỡ phải mặc cả nhưng tôi chỉ mua những mặt hàng thật sự cần thiết”.
Hiện nay, hầu hết các siêu thị, cửa hàng bách hóa nào cũng có các chương trình giảm giá với đa dạng các mặt hàng, từ lương thực, thực phẩm, các loại gia vị cho đến vật dụng gia đình. Chị Hoa - nhân viên truyền thông của một siêu thị trên địa bàn TP. Nha Trang cho hay, thông thường sau 19 giờ, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thực phẩm đóng gói sẵn được siêu thị giảm giá sâu. Tùy lượng sản phẩm trên kệ hàng mà siêu thị sẽ cân nhắc việc giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Trước đây, khách hàng ưa chuộng săn hàng giảm giá thường là sinh viên, người lao động thu nhập thấp, nhưng hiện nay đủ các thành phần.
Thay đổi thói quen tiêu dùng
Để cân bằng chi tiêu hàng ngày, ổn định cuộc sống, ngoài canh mua hàng giảm giá, nhiều gia đình còn thay đổi thói quen tiêu dùng nhằm “liệu cơm gắp mắm”. Vợ chồng chị Trịnh Thị Ngọc Ánh (Khu nhà công vụ Không quân, phường Phước Long, TP. Nha Trang) đều làm nhân viên của một cơ quan nhà nước với thu nhập khoảng 7 - 9 triệu đồng/tháng/người. Trước đây, với thu nhập này, chị khéo vun vén đủ chi tiêu hàng ngày cho gia đình 4 người và còn dư chút đỉnh phòng thân. Thế nhưng, đầu năm 2024, chồng chị phải vừa đi làm vừa học thêm để chuẩn bằng cấp phục vụ cho công việc, trong khi giá cả thị trường cái gì cũng tăng nên chị phải lập lại kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn. Chị Ánh cho biết: “Trước đây, gia đình tôi 4 người đều ăn sáng ở ngoài tiệm, rồi tiền cà phê của 2 vợ chồng, tiền ăn vặt của các con. Mấy tháng nay, tôi chịu khó mua đồ về nhà tự nấu bữa ăn sáng cho cả gia đình nên khoản tiền này chỉ tốn một nửa so với trước. Các con thích ăn gà rán, thỉnh thoảng tôi mua về nhà tự làm. Đồ dùng trong gia đình, tôi canh các chương trình khuyến mãi và chỉ mua những thứ thật sự cần thiết... ”.
Nhiều chương trình khuyến mãi tại Siêu thị Co.opmart Nha Trang. |
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,15%, tăng mạnh nhất là mặt hàng gạo (tăng 24,49%); nhóm thực phẩm tăng 1,49% ở mặt hàng thịt heo, vịt, gà và thịt chế biến sẵn, thủy sản tươi sống; chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 8,21%; nước, điện sinh hoạt, nhà ở thuê, dịch vụ sửa chữa nhà ở... tăng từ 0,27% đến 10,45%; chỉ số giá gas tăng 4,31%; nhóm dịch vụ vận tải hành khách đường bộ, đường sắt, đường hàng không đều tăng; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,95%, tăng mạnh ở nhóm dịch vụ bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở mới...
KHÁNH HÒA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin