Không biết từ bao giờ, dịp nghỉ hè ở thành thị đã trở thành “học kỳ 3” đối với nhiều học sinh. Con đi học thêm, học kỹ năng hè, cha mẹ cũng miệt mài nay đưa, mai đón...
Hối hả học hè
Trời chiều đang sáng bỗng sầm tối, rồi trút cơn mưa hè ào ạt. Khoác vội chiếc áo mưa sau giờ tan sở, bà N.N.H (phường Phước Long, TP. Nha Trang) chạy xe máy tới trường mầm non đón con gái, rồi đến nhà cô giáo đón cậu con trai lớn đang học bán trú tại đây. Về đến nhà, bà lại tất bật chuẩn bị bữa tối. Vừa hối con trai ăn nhanh rồi đi học, bà vừa tranh thủ đút cho cô con gái nhỏ ăn. Ăn xong gần 19 giờ, bà H. giục chồng chở con trai tới lớp học tiếng Anh và không quên nhắc đón lúc 21 giờ. Lo dọn dẹp, cho con gái uống hết cữ sữa cuối ngày rồi đi ngủ, bà H. mới có thời gian làm nốt những công việc còn dở dang. “Con nghỉ hè mà cha mẹ bận chẳng kém gì trong năm học. Nếu không cho đi học hè, tôi cũng không biết quản con kiểu gì. Cho ở nhà thì sợ con xem điện thoại, chơi game, nên cho con đi học được chữ nào hay chữ đó. Tôi đang lo sang tháng 8, trường mầm non công lập không giữ trẻ thì tôi không biết gửi con gái ở đâu”, bà H. chia sẻ.
Trẻ học bơi dịp hè tại Trung tâm Tập luyện và thi đấu thể thao Nha Trang. Ảnh: Phúc Hiếu |
Sau 1 tuần được gửi về quê chơi với ông bà nội, từ giữa tháng 6, hai chị em Lê Hà Anh và Lê Hải Anh (phường Tân Lập, TP. Nha Trang) cũng bắt đầu công cuộc… học hè. Bà Phạm Thị Thu Thanh, phụ huynh 2 em cho hay: “Trường mầm non công lập không nhận giữ trẻ đã học hết mẫu giáo. Nhờ có người quen giới thiệu nên tôi gửi Hà Anh vào lớp học bán trú tại nhà một cô giáo tiểu học để học chữ, học toán trước khi vào lớp 1. Còn Hải Anh chuẩn bị lên lớp 9 nên cũng phải tranh thủ học thêm chứ chẳng mấy chốc thi vào lớp 10 rồi. Các con còn tham gia học đàn, học vẽ, học bơi... vào cuối tuần. Quỹ thời gian hạn hẹp, vợ chồng tôi quay cuồng trong công việc rồi lo đưa đón hai chị em đi học, loay hoay đã hết một ngày”.
Dạy thêm, dạy kỹ năng sống nở rộ
Chuyện thường ngày ở gia đình bà H., bà Thanh có lẽ cũng không xa lạ với nhiều gia đình, nhất là ở thành thị. Có cầu thì sẽ có cung, các hình thức dạy thêm dịp hè vì thế trở nên muôn vẻ. Một số giáo viên tổ chức dạy tại nhà, hoặc thuê địa điểm dạy, làm gia sư kèm riêng hoặc dạy theo nhóm tại nhà của phụ huynh học sinh, dạy theo giờ hoặc kiêm luôn cả ăn trưa, bán trú… Việc dạy trước chương trình dù không được phép nhưng vẫn âm thầm diễn ra ở một số nơi, Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng giáo dục và đào tạo hiện không còn chức năng cấp phép dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường; xã, phường thì quản lý không xuể. Giáo viên một trường tiểu học tại TP. Nha Trang cho biết: “Trong thời gian nghỉ hè, một số thầy cô tranh thủ dạy thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống, phụ huynh cũng muốn gửi con để học thêm kiến thức và giúp họ yên tâm đi làm. Với những em tiếp thu chậm, nếu không khởi động từ bây giờ, vào năm học sẽ rất khó bắt nhịp với tiến độ dạy của chương trình mới”.
Các hoạt động, các khóa dạy kỹ năng sống dịp hè cũng rất đa dạng. Ngoài chương trình do các cấp hội, đoàn, địa phương, nhà thiếu nhi… tổ chức, còn có các lớp do trung tâm kỹ năng sống mở ra với mức học phí khác nhau. Nếu chỉ tính số lượng được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép thì hiện toàn tỉnh có 25 cơ sở dạy kỹ năng sống, tăng 20 cơ sở so với năm 2020. Số lượng thực tế (không được cấp phép) còn nhiều hơn thế. Dạy bơi, đàn, hát, nhảy, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sinh tồn, dã ngoại trải nghiệm…, có đủ các loại hình để người tham gia lựa chọn. Học phí cho một khóa học hay chương trình kéo dài vài ngày dao động từ 1 đến 3,5 triệu đồng, một số trung tâm dạy học kiêm dạy kỹ năng sống có tổ chức bán trú thì học phí khoảng 2,5 đến 4,5 triệu đồng/tháng.
Cha mẹ nên đồng hành cùng con
Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng bộ môn Tâm lý - Giáo dục Trường Đại học Khánh Hòa cho rằng, trên thực tế, nhiều người mong muốn các con được nghỉ ngơi, vui chơi trong dịp hè sau một năm học vất vả, nhưng bản thân họ không có đủ thời gian chăm sóc cho con, xung quanh lại thiếu môi trường cho trẻ vui chơi, hoạt động trong suốt 3 tháng hè. Một số chương trình kỹ năng sống tương đối đa dạng, nhưng không phải gia đình nào cũng đủ nguồn lực tài chính để cho trẻ tham gia liên tục. Nhiều phụ huynh cho con đi học thêm, học các lớp kỹ năng… để vừa có thời gian lo công việc của mình, vừa giúp con không quên kiến thức hoặc chuẩn bị cho con lên lớp, chuyển cấp. Tuy nhiên, cho con đi học quá nhiều hay ép trẻ đi học những môn trẻ không thích thì lại không nên, lâu dài ảnh hưởng đến tâm lý, khiến trẻ căng thẳng, áp lực.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, không có một công thức chung cho tất cả các gia đình, mà tùy theo hoàn cảnh, mỗi gia đình nên có cách quản lý thời gian, sắp xếp công việc hợp lý, hài hòa để bên cạnh việc học, trẻ sẽ có những khoảng thời gian vui chơi với gia đình, cha mẹ thực sự đồng hành cùng con, dựa trên những mong muốn và tôn trọng sở thích của trẻ.
H.NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin