08:33, 02/02/2024

Chế độ dinh dưỡng hợp lý trong dịp Tết

Việc ăn uống trong dịp Tết thường không được điều độ. Trong đó, rất nhiều món từ thịt cá, ít món rau. Từ đó, dẫn đến khẩu phần ăn mất cân đối. Chế độ dinh dưỡng này rất nguy hại đối với những người mắc bệnh gút, tăng huyết áp...

Người dân cần hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn; chọn loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tem đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa
Người dân cần hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn; chọn loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tem đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa

Ăn nhiều thực phẩm có năng lượng cao

Tết là dịp đoàn tụ gia đình, bạn bè, hướng về cội nguồn, tổ tiên... Đồng thời, là dịp mọi người có nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi thoải mái sau những ngày làm việc vất vả.

Tuy nhiên, dịp Tết cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe nếu người dân không biết cách duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt với một số nhóm dễ bị ảnh hưởng như trẻ em, người già, người mắc các bệnh mạn tính...

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vào dịp Tết, mọi người có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian làm việc, lao động chân tay giảm. Do đó, nhu cầu năng lượng về cơ bản ít hơn so với ngày thường. Song, thực tế việc cung cấp năng luợng thì ngược lại.

Các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết lại có năng lượng rất cao, chế độ ăn nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật từ thịt cá, ít rau xanh. Đó chính là thủ phạm gây tăng cân, gia tăng tái phát bệnh mạn tính.

Bánh chưng, bánh tét là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Nhưng đối với người có nguy cơ thừa cân cần lưu ý, đó lại là món cung cấp năng lượng rất lớn. Một miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50g cung cấp khoảng 150kcal, bằng một lưng chén cơm. Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2 - 3 miếng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, việc ăn uống trong dịp Tết thường không được điều độ, không đúng bữa. Số bữa ăn thường cũng nhiều hơn và là mâm cỗ nên xu hướng ăn nhiều món ăn. Trong đó, rất nhiều món từ thịt cá, ít món rau.

Do vậy, mức tiêu thụ thịt cá các loại tăng lên rất nhiều so với bữa ăn hằng ngày. Từ đó, dẫn đến khẩu phần ăn mất cân đối. Chế độ dinh dưỡng này rất nguy hại đối với những người mắc bệnh gút, tăng huyết áp...

“Rượu bia là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Nếu uống quá nhiều, cứ nâng cốc là phải cạn chén thì nguy cơ đến sức khỏe không hề nhỏ. Ngoài nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông, còn có nguy cơ cao đối với các bệnh tim mạch, gút, tăng huyết áp, đái tháo đường...”, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, gây nguy cơ tăng cân ở người thừa cân béo phì, tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường...

Ở trẻ em, ăn nhiều bánh kẹo ngọt khiến có nguy cơ thừa cân béo phì, hoặc mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính. Một số trẻ còn bị rối loạn tiêu hóa có thể gây sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.

Do đó, người dân được khuyến cáo có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cụ thể, cần duy trì ăn uống đa dạng thực phẩm. Đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn.

Người thừa cân béo phì, bị bệnh hoặc có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút... cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị.

Người dân cũng cần chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết. Đồng thời, người dân cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nên ăn tăng cường rau quả, hạn chế thịt, phủ tạng động vật, hải sản, rượu bia, bánh kẹo ngọt.

Tích trữ thực phẩm vừa phải

Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), chế độ ăn không cân bằng trong dịp Tết sẽ gây ra một số bệnh lý, nhất là ở trẻ em và người già. Đây là những nhóm kém khả năng thích nghi với thay đổi của môi trường sống.

Chuyên gia khuyến cáo, vào ngày Tết, người dân chỉ nên trữ thực phẩm vừa đủ dùng. Đồng thời, nên chia thành nhiều gói nhỏ để dùng hết sau khi rã đông, làm lạnh nhanh, tránh gây hư hại thực phẩm.

Bên cạnh đó, thực phẩm dễ bị tẩm ướp các hoá chất không có lợi cho sức khoẻ (chất bảo quản, hàn the, thuốc diệt nấm mốc, phẩm màu công nghiệp…), quá nhiều muối hay đường.

Việc làm khô thực phẩm cũng cần chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh. Để khắc phục, người dân cần: Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, chọn loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tem đảm bảo chất lượng, tận dụng nguồn thức ăn tươi sống, nhất là cho trẻ em.

“Ngày Tết, mọi người dễ bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn hư hỏng do tích trữ nhiều, ăn phải các thực phẩm có chất bảo quản, ăn quá nhiều, quá dư đạm và béo. Biện pháp phòng ngừa là chọn thực phẩm tươi, ít chất bảo quản, tích trữ vừa phải, phối hợp cân đối trong các bữa ăn, ăn chín, uống sôi để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong bữa, nên phối hợp các thức ăn giúp dễ tiêu hóa đạm như thơm (dứa), cà chua, thực phẩm lên men chua (dưa cải, kiệu/hành chua, yaourt...), đu đủ... Có thể ăn sữa chua thường xuyên để duy trì hệ khuẩn ruột khỏe mạnh”, bác sĩ Thu Hậu cho biết.

Trong trường hợp xảy ra nôn ói, tiêu chảy, cần bù nước và điện giải bằng dung dịch điện giải hoặc muối đường. Nên uống chậm từng muỗng, không nên dùng thuốc cầm ói ngay. Nếu mệt, triệu chứng nặng hơn hoặc có các dấu hiệu nguy hiểm, mất nước, sốt cao... người dân nên đến bệnh viện sớm.

Ngoài ra, những người có tiền căn bị viêm loét dạ dày thường có nguy cơ tái phát trong dịp Tết do thức ăn khó tiêu và gây kích ứng. Do đó, nên thận trọng với việc ăn thực phẩm cay, chua, bia, rượu, thức ăn có chất bảo quản hoặc ăn quá nhiều đạm, béo..., bỏ bữa.

Vì vậy, cần thận trọng khi chọn thức ăn và ăn uống điều độ, hạn chế rượu bia. Nên có sẵn thuốc chống đầy bụng, trung hòa acid để sử dụng khi cần. Nếu triệu chứng nặng, người bệnh cũng phải đến bệnh viện sớm.

Theo giaoducthoidai.vn