Dấu hiệu nhận biết chung của chứng mất trí nhớ là người bệnh không có khả năng ghi nhớ những ký ức mới hoặc mất hoàn toàn ký ức, nhưng mỗi dạng mất trí nhớ sẽ có biểu hiện khác nhau.
(Nguồn: Neuroscience News) |
Tập đoàn Dược phẩm hàng đầu Nhật Bản Eisai ngày 11/1 thông báo sẽ phát triển một công cụ mới sử dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) để dự đoán nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Hệ thống của Eisai sẽ sử dụng AI để phân tích dữ liệu như sự tích tụ protein trong não bệnh nhân, trạng thái chức năng nhận thức và hiển thị nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một trong những triệu chứng có thể báo hiệu bệnh mất trí nhớ.
Bên cạnh đó, Eisai cũng sẽ bắt đầu thử nghiệm các công cụ dự đoán tác dụng của các loại thuốc dùng để điều trị chứng bệnh này.
Eisai đang giới thiệu nhiều công cụ nhằm tăng cường cung cấp công nghệ kỹ thuật số liên quan đến điều trị chứng mất trí nhớ, điển hình như công cụ kiểm tra sức khỏe não bộ “Nou-KNOW," ứng dụng Sasael hỗ trợ đối thoại giữa bệnh nhân và bác sỹ.
Năm ngoái, Mỹ và Nhật Bản cũng đã phê duyệt thuốc loại thuốc Lecanemab (tên thuốc tại Mỹ là Leqembi) điều trị bệnh Alzheimer do Eisai phát triển. Hãng hy vọng việc kết hợp công nghệ số sẽ nâng cao khả năng phòng ngừa và điều trị bệnh.
Vậy mất trí nhớ là bệnh gì? Dấu hiệu hay triệu chứng của bệnh mất trí nhớ là gì? Chứng mất trí nhớ có điều trị được không?
Bệnh mất trí nhớ là gì?
Mất trí nhớ là hội chứng tập hợp các dấu hiệu như tình trạng lãng quên bất thường, người bệnh không thể ghi nhớ những sự kiện vừa xảy ra, khó khăn khi nhớ lại các vấn đề trong quá khứ. Chứng mất trí nhớ có thể làm giảm chức năng của vỏ não và tiến triển dần theo thời gian gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 35,6 triệu người mắc bệnh mất trí nhớ trên thế giới. Ước tính, vào năm 2030, số người mắc căn bệnh này sẽ tăng gấp đôi và vào năm 2050 sẽ tăng gấp 3 lần. Trong đó, các nước có nền kinh tế đang phát triển chiếm tỷ lệ cao hơn các nước phát triển.
Dấu hiệu mất trí nhớ
Dấu hiệu nhận biết chung của chứng mất trí nhớ là người bệnh không có khả năng ghi nhớ những ký ức mới hoặc mất hoàn toàn ký ức, nhưng mỗi dạng mất trí nhớ sẽ có biểu hiện khác nhau.
Quên đi ký ức cũ: Người bệnh sẽ mất đi khả năng nhớ lại những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng phổ biến nhất là do sa sút trí tuệ.
(Ảnh: iStock) |
Quên đi ký ức mới: Người bệnh sẽ không thể ghi nhớ những sự kiện vừa mới diễn ra, một cách tạm thời hoặc vĩnh viễn. Người bệnh đột nhiên không thể nhớ được bản thân vừa đi qua những nơi nào, gặp ai và làm gì. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể từ sự tổn thương trong não do lạm dụng bia rượu, chất kích thích, các loại thuốc ức chế hệ thần kinh,…
Mất trí nhớ thoáng qua: Chứng bệnh này xảy ra phổ biến ở đối tượng đã từng trải qua sự đau buồn, cảm xúc tiêu cực, khiến cho người bệnh có xu hướng không chấp nhận sự thật. Tình trạng này thường xảy ra ở người bệnh có độ tuổi trung niên và người già.
Ngoài ra, bệnh mất trí nhớ có thể gây ra một số triệu chứng khác như nhầm lẫn hoặc nhớ sai ký ức, mất phương hướng khi di chuyển,…
Khác với sa sút trí tuệ, mất trí nhớ chỉ ảnh hưởng đến ký ức và không gây suy giảm khả năng nhận thức của người bệnh. Vì vậy, khi mắc phải bệnh lý này người bệnh vẫn có thể ghi nhớ những thông tin quan trọng về bản thân.
Nguyên nhân gây mất trí nhớ
Chứng mất trí nhớ có thể xảy ra như một phần không thể thiếu của quá trình lão hóa của cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng mắc bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy, ngoài vấn đề tuổi tác vẫn tồn tại một số nguyên nhân phổ biến gây mất trí nhớ khác.
Chấn thương: Chấn thương đầu do ngã hoặc tai nạn, ngay cả khi bạn không bất tỉnh vẫn có nguy cơ bị mất trí nhớ.
Rối loạn cảm xúc: Căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm có thể gây ra chứng suy giảm trí nhớ, khó tập trung và các vấn đề khác ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc hoặc sự kết hợp của các loại thuốc có thể dẫn đến các tác dụng phụ, trong đó có chứng mất trí nhớ.
Thiếu vitamin B12: Vitamin B12 giúp duy trì các tế bào thần kinh và hồng cầu khỏe mạnh. Sự thiếu hụt vitamin B12 phổ biến ở người lớn tuổi và có thể gây ra các vấn đề liên quan đến trí não, trong đó có chứng mất trí nhớ.
Bệnh suy tuyến giáp: Tình trạng suy giáp có thể dẫn đến chứng hay quên và các vấn đề về tư duy khác.
Bệnh lý về não: Các vấn đề liên quan đến tổn thương não như u não, vỡ mạch máu não, tụ máu não,… sẽ khiến người bệnh bị mất trí nhớ tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Đột quỵ: Đột quỵ xảy ra khi quá trình cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não. Người bị đột quỵ thường dễ mắc chứng mất trí nhớ ngắn hạn, chỉ ghi nhớ ký ức đã cũ và lãng quên ký ức mới.
Những người ngủ thất thường sẽ bị tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. (Ảnh: iStock) |
Mất ngủ kéo dài: Chất lượng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ghi nhớ của não bộ. Ngủ không đủ giấc, ngủ chập chờn, thức khuya,… sẽ khiến cơ thể mệt mỏi từ đó làm giảm khả năng tiếp nhận và ghi nhớ thông tin.
Chứng ngưng thở khi ngủ: Tình trạng ngưng thở khi ngủ nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến người bệnh bị suy giảm trí nhớ và nhiều biến chứng nguy hiểm khác về trí não như hôn mê, co giật.
Nghiện thuốc lá: Thuốc lá sẽ làm giảm lượng ôxy cung cấp lên não bộ, nghiện hút thuốc lá sẽ gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ.
Lạm dụng bia rượu: Nghiện rượu mãn tính có thể gây suy giảm chức năng của hệ thần kinh dẫn đến nguy cơ bị suy giảm trí nhớ.
Đối tượng dễ mắc bệnh
Bệnh mất trí nhớ có thể xảy ra ở mọi đối tượng, vì vậy bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải. Trong đó, một số đối tượng có nguy cơ bị mất trí nhớ cao hơn, gồm người trưởng thành sau 30 tuổi và người già; phụ nữ sau khi sinh con; người lạm dụng bia rượu, người bị trầm cảm hoặc thường xuyên căng thẳng; người bệnh tai biến mạch máu não hoặc bị chấn thương não do tai nạn.
Trong số các đối tượng trên, người cao tuổi (trên 65 tuổi) và phụ nữ sau sinh là 2 đối tượng có nguy cơ bị mất trí nhớ cao nhất.
Ảnh minh họa.(Nguồn: Reuters) |
Cách điều trị mất trí nhớ
Hiện nay chưa có phương pháp cụ thể để điều trị chứng mất trí nhớ dứt điểm, tuy nhiên người bệnh vẫn có thể cải thiện tình trạng bệnh bằng nhiều cách, như học hỏi kỹ năng rèn luyện trí nhớ bằng cách trao đổi với bác sỹ hoặc chuyên gia trị liệu.
Khi người bệnh uống nhiều thức uống có cồn, cơ thể thiếu hụt vitamin B1, cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và lượng vitamin nạp vào cơ thể.
Sử dụng thiết bị thông minh như laptop, smartphone, đồng hồ thông minh để tạo lịch nhắc nhở về các mốc thời gian, công việc quan trọng trong ngày.
Ngoài ra, đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị chứng mất trí nhớ là xây dựng chế độ sinh hoạt phù hợp như thiết lập thói quen ghi chép các triệu chứng bất thường mà bạn gặp phải; liệt kê các loại thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin mà bạn đang sử dụng hàng ngày; ghi chú những thắc mắc cần tham khảo ý kiến bác sỹ.
Cách phòng ngừa mất trí nhớ
Bệnh mất trí nhớ hoàn toàn có thể phòng tránh bằng một số biện pháp có tác dụng làm giảm dần các yếu tố nguy cơ như xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, các vitamin cần thiết cho cơ thể đặc biệt là vitamin B12, ăn nhiều rau xanh.
Duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày với các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, tập yoga,...
Ngủ đủ giấc, không nên thức quá khuya.
Cần cân bằng giữa chế độ làm việc và nghỉ ngơi, không nên làm việc quá sức, tránh tình trạng stress xảy ra.
Tránh sử dụng các đồ uống và các chất kích thích có hại đến sức khỏe như rượu bia, thuốc lá, ma túy./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin