Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng do đó người bị tiểu đường cần có một chế độ ăn khoa học để không làm tăng lượng đường trong máu.
Trái cây sấy khô là một trong 10 loại thực phẩm người bệnh tiểu đường nên tránh. (Nguồn: diabetescarecommunity) |
Người ta thường nói rằng chế độ ăn uống lành mạnh là liều thuốc tốt nhất - và điều đó đặc biệt đúng đối với người mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, tác động của insulin hoặc cả hai. Việc tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Những gì bạn ăn và uống có thể ảnh hưởng đến lượng glucose mà cơ thể bạn sử dụng để tạo năng lượng. Nhưng nếu mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin được sản xuất không hoạt động bình thường.
Carbohydrate (carbs), protein và chất béo là những chất dinh dưỡng chính trong thực phẩm. Carbs có tác động lớn nhất đến lượng đường trong máu vì chúng biến thành glucose (đường) trong cơ thể, điều quan trọng là bạn phải đưa ra những lựa chọn thực phẩm lành mạnh khi xem xét tất cả các chất dinh dưỡng.
Giữ lượng đường trong máu của bạn cân bằng bắt đầu bằng việc tránh các thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến, chứa nhiều calo.
Dưới đây là 10 loại thực phẩm bạn không nên đưa vào giỏ hàng tạp hóa và thực đơn của mình.
1. Nước ngọt, đồ uống có đường
Một số loại nước ngọt như Coca, Pepsi, Sprite, 7up, Sting, Soda, Mirinda… là đồ uống ưa thích của nhiều người. Thế nhưng chúng là lựa chọn không tốt cho những người bị bệnh tiểu đường.
Đầu tiên, nước ngọt rất giàu carbohydrat là đường. Đường trong những loại đồ uống này thường là fructose, một loại đường đơn có thể nhanh chóng đi vào máu, liên quan chặt chẽ đến tình trạng kháng insulin và bệnh tiểu đường.
Nước ngọt còn làm tăng mỡ nội tạng, cholesterol và triglyceride có hại. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tiểu đường như gan nhiễm mỡ.
Để kiểm soát lượng đường trong máu, hãy uống nước lọc, nước khoáng hoặc trà đá không thêm đường.
2. Bánh mỳ trắng, gạo và mỳ ống
Bánh mỳ trắng là một trong 10 thực phẩm người bị tiểu đường nên tránh xa. (Nguồn: diabetescarecommunity) |
Bánh mỳ trắng, gạo và mỳ ống là những thực phẩm có lượng carbohydrat cao. Chúng thường bị mất phần lớn chất dinh dưỡng trong quá trình xay xát. Trong đó có chất xơ - một chất giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, có nhiều ở lớp cám và mầm. Chính vì vậy, nếu ăn nhiều các thực phẩm làm từ tinh bột tinh chế có thể làm tăng đáng kể lượng đường trong máu.
Những người bị tiểu đường được khuyên nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất xơ để hỗ trợ cho hệ vi sinh đường ruột, giúp cải thiện tình trạng kháng insulin.
3. Sữa chua vị trái cây
Sữa chua là một thực phẩm tốt cho người bị tiểu đường. Tuy nhiên, các loại sữa chua có hương vị lại là chuyện khác.
Sữa chua có vị trái cây được làm từ sữa không béo hoặc ít béo, chứa nhiều tinh bột và đường. Tương tự, yaourt đông đá cũng không tốt vì chúng chứa nhiều đường, có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Người bị tiểu đường nên chọn sữa chua nguyên chất và không có đường để hỗ trợ sức khỏe đường ruột, kiểm soát sự thèm ăn và cân nặng.
4. Ngũ cốc tinh chế
Ngũ cốc là một thực phẩm lành mạnh nhưng đối với người bị tiểu đường thì ngũ cốc không phải là lựa chọn lý tưởng vì nó chứa nhiều carbohydrat. Đặc biệt là những loại ngũ cốc tinh chế được chế biến kỹ, ít protein và thường bổ sung chất tạo ngọt như đường hoặc mật ong.
Một bữa ăn giàu protein và ít carbohydrat (tinh bột và đường) là lựa chọn tốt cho người bị tiểu đường để kiểm soát cơn đói và giữ lượng đường trong máu được ổn định.
5. Mật ong và mật hoa
Người bị tiểu đường nên hạn chế ăn mật ong. Những người bị bệnh tiểu đường thường giảm ăn đường trắng. Họ chuyển sang sử dụng đường nâu và các loại chất tạo ngọt tự nhiên như mật ong, mật hoa, mứt hay sirô.
Mặc dù những chất này không chế biến nhiều nhưng chúng cũng là nguồn cung cấp nhiều carbohydrat dưới dạng đường, có thể gây ra tình trạng viêm và làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy, tốt nhất là không nên sử dụng đường dưới mọi thể loại.
6. Trái cây sấy khô
Trái cây là một trong những thực phẩm lành mạnh, cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất quan trọng cho cơ thể. Khi trái cây được sấy khô sẽ loại bỏ nước khiến các thành phần dinh dưỡng được cô đọng. Nhưng đồng thời, lượng đường có trong trái cây cũng trở nên cô đặc hơn.
Bên cạnh đó, trái cây khô thường dễ ăn nên chúng ta có xu hướng ăn nhiều, có thể dẫn đến dung nạp quá nhiều đường, làm tăng lượng đường trong máu và tăng cân.
Những người bị tiểu đường nên ăn nhiều các loại trái cây tươi ít đường, ví dụ như bưởi, dâu tây, táo, cam, lê, bơ, cherry, thơm, lựu... Những loại trái cây này có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe trong khi vẫn giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định.
7. Bánh quy
Bánh quy có chứa nhiều chất béo chuyển hóa. Mặc dù trong sữa và thịt động vật cũng chứa một ít chất béo chuyển hóa, nhưng chúng không đáng ngại bằng chất béo chuyển hóa nhân tạo.
Chất béo chuyển hóa nhân tạo được tạo ra bằng cách hydro hóa mỡ hoặc dầu trong quá trình chế biến để có thể bảo quản lâu hơn. Mặc dù chất béo chuyển hóa không trực tiếp làm tăng lượng đường trong máu, nhưng chúng có thể làm tăng tình trạng viêm, cholesterol “xấu” và mỡ nội tạng.
Những người bị tiểu đường nếu thường xuyên ăn những thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao hơn. Chất béo chuyển hóa còn được tìm thấy trong bơ thực vật, bơ đậu phộng, khoai tây chiên…
Bên cạnh đó, các loại bánh quy thường được làm từ bột mỳ tinh chế, cung cấp nhiều carbohydrat tiêu hóa nhanh có thể làm tăng nhanh lượng đường trong máu. Những loại thực phẩm này cũng có rất ít chất xơ và các chất dinh dưỡng khác.
Thay vì ăn bánh quy, người bị tiểu đường có thể lựa chọn các loại hạt hoặc trái cây cho bữa ăn nhẹ của mình.
8. Khoai tây chiên
Người bị tiểu đường không nên ăn khoai tây chiên. (Nguồn: diabetescarecommunity) |
Bản thân khoai tây vốn đã có hàm lượng carbohydrat tương đối cao. Khi chiên khoai tây trong dầu thực vật có thể tạo ra chất béo chuyển hóa, làm tăng lượng đường trong máu. Ngoài ra, nó còn có thể thúc đẩy tình trạng viêm và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Những người bị tiểu đường không nên ăn các thực phẩm chế biến như khoai tây chiên hay gà rán, thay vào đó ăn một lượng vừa phải các loại thực phẩm được chế biến đơn giản sẽ tốt hơn.
9. Nước trái cây
Nước trái cây không tốt cho người bị tiểu đường.
Nhiều người nhầm tưởng rằng nước ép trái cây cũng giống như trái cây tươi, thậm chí là tốt hơn trái cây tươi. Nhưng thực tế, nước trái cây, dù là loại 100% không thêm đường cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Lý do là vì khi trái cây ép nước sẽ bị loại bỏ gần như hoàn toàn chất xơ nhưng vẫn giữ nguyên lượng đường có trong nó. Chất xơ khi vào đường ruột sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp kiểm soát lượng đường hấp thu vào máu. Khi trái cây không còn chất xơ, lượng đường sẽ tăng nhanh trong máu.
Việc thay thế một khẩu phần thịt chế biến mỗi ngày bằng một phần ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt hoặc đậu sẽ giúp giảm từ 23-36% nguy cơ bị đột quỵ, đau tim và bệnh tim mạch vành.
Đặc biệt là các loại nước trái cây đóng hộp chứa nhiều fructose, là yếu tố thúc đẩy kháng insulin, tăng cân và nguy cơ bệnh tim.
10. Sữa nguyên chất
Sữa nguyên chất có rất nhiều calo, đường và chất béo bão hòa - tất cả đều có thể góp phần làm tăng cân và làm tăng tình trạng kháng insulin. Tốt hơn hết bạn nên mua một hộp sữa gầy có hàm lượng calo thấp 2%, 1%.
Các loại sữa hạnh nhân, sữa gạo hoặc sữa đậu nành không đường có thể là những lựa chọn thay thế tốt cho sữa bò - đặc biệt nếu bạn không dung nạp lactose ngoài bệnh tiểu đường./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin