18:39, 13/09/2023

Các loại nước uống Đông y phòng và hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ y học cổ truyền gọi là hồng nhãn hay hoả nhãn. Biểu hiện của bệnh là cảm giác ngứa, cộm (như có cát bụi bay vào mắt), mắt sưng đỏ do bị sung huyết, đau nhức, sợ ánh sáng.

Bệnh đau mắt đỏ thường xảy ra vào mùa hè chuyển sang mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa nhiều có độ ẩm cao. Bệnh tiến triển một cách nhanh chóng nên còn gọi là bạo phong.

Nguyên nhân sinh bệnh là do phong nhiệt độc xâm nhập vào kinh can, phế, đại trường gây ra. Kinh nghiệm thực tế của đông y cho thấy, những người có thể chất thuộc loại hình "nhiệt thịnh", chủ yếu là can nhiệt và phế nhiệt, khi bị ngoại tà phong nhiệt và hỏa độc xâm phạm vào, thì rất dễ bị mắc bệnh này.

 

Thực hiện rửa mắt bằng thuốc nhỏ nước muối Natriclorid
Thực hiện rửa mắt bằng thuốc nhỏ nước muối Natriclorid

 

1. Nước uống tốt cho người bệnh đau mắt đỏ

- Ruột dưa hấu ép lấy nước uống, ngày uống 3 lần, mỗi lần 200ml.

- Hoa quả tươi tùy mùa như lê, đào, quýt, mận, mía, dưa chuột, dưa bở, dưa gang, dưa lê… ép lấy nước uống hàng ngày.

- Lá non của thạch lựu tươi 30g, sắc lấy nước uống thay trà trong ngày.

- Cúc vạn thọ 15g sắc lấy nước uống thay trà hàng ngày.

- Hoa cúc tươi 10g, cốc tinh thảo tươi 20g, sắc lấy nước uống thay trà trong ngày.

- Lá dâu tằm tươi 15g (khô 7g), trà búp 3g, sắc nước uống thay nước trà trong ngày. Có thể thêm cúc hoa 10g, cam thảo 5g, cùng sắc uống.

- Cúc hoa 10g, trà búp 5g; hãm nước sôi uống thay nước trà trong ngày.

- Trà búp 5g, mướp đắng tươi 50g (khô 20g); hãm nước sôi uống thay nước trà trong ngày.

- Kim ngân hoa 10g, bạc hà 5g; hãm nước sôi, uống thay trà trong ngày.

 

Trà cúc hoa uống phòng bệnh và hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ
Trà cúc hoa uống phòng bệnh và hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ

 

- Củ mã thầy (còn gọi là củ năng) 60g, mía tươi 60g. Mã thầy và mía gọt, róc bỏ vỏ, rửa sạch, thái nhỏ, thêm một lượng nước thích hợp; sắc nước uống thay trà trong ngày.

- Thạch quyết minh 30g, dã cúc hoa 15g, tang diệp 9g, sắc lấy nước uống thay trà trong ngày.

- Quyết minh tử, sơn cúc hoa mỗi thứ 9g, mạn kinh tử và mộc tặc mỗi thứ 6g, sắc lấy nước uống thay trà trong ngày.

- Sinh địa hoàng 9g, kim ngân hoa 9g, hoàng liên 6g, cam thảo 3g sắc lấy nước uống thay trà trong ngày

2. Phòng bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ là bệnh lành tính, thường kéo dài từ 1-2 tuần nhưng dễ lây lan thành dịch. Đường lây qua tiếp xúc với không khí, với dịch tiết từ mắt, dịch tiết từ mũi họng, hoặc đường lây thông qua cầm nắm các đồ dùng cá nhân có chứa mầm bệnh.

Người bị bệnh đau mắt đỏ cần phải được cách ly với người lành, không dùng chung các đồ dùng: cốc uống nước, khăn mặt, chăn gối…

Rửa mắt bằng thuốc nhỏ nước muối natriclorid 0,9% ít nhất 3-4 lần trong ngày (sáng, trưa, chiều, tối) để làm trôi đi mầm bệnh, đẩy dử mắt ra ngoài, làm dịu bề mặt nhãn cầu.

Ngoài ra cần thực hiện:

Rửa tay thường xuyên và có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Trường học khi có trẻ bị đau mắt đỏ nên cho trẻ nghỉ học để cách ly với các trẻ khác trong lớp.

Người bệnh nên đeo kính, đeo khẩu trang để hạn chế sự phát tán mầm bệnh ra bên ngoài môi trường.

Theo Gia đình & Xã hội