17:01, 18/08/2023

Tại sao phải cẩn trọng với hạt na?

Từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm là mùa na chín. Đây là loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và cũng là một vị thuốc trị nhiều bệnh trong Đông y. Tuy nhiên, khi sử dụng na, cần đặc biệt cẩn trọng với hạt na.

1. Đặc điểm của cây na

Quả na có tên gọi khác là phiên lệ chi, lâm cầm; mãng cầu ta, mak na (Thái, Tày). Tên khoa học: Annona aquamosa L., thuộc Họ Na - Annonaceae.

Na là cây nhỡ, cao 2 - 5m, thân tròn, vỏ ráp, phân cành nhiều. Lá mọc so le, hình bầu dục, nhọn hai đầu, dài 7 - 10cm, rộng 3 - 4cm, hai mặt nhẵn, mép nguyên, cuống mảnh.

Hoa màu vàng mỡ gà, mọc riêng lẻ, rủ xuống. Quả kép, dạng quả mọn hình cầu, màu xanh nhạt, gồm nhiều múi.

Thịt quả trắng, mềm, thơm ngot ngon. Mỗi múi chứa một hạt hình bầu dục, vỏ cứng, màu đen nhánh. Cây ra hoa vào tháng 3-4, mùa quả vào tháng 8-11.

Cây na được trồng ở khắp nơi để lấy quả ăn. Có hai loại na: Na dai vị ngon hơn và được trồng nhiều hơn na bột. Ngoài thu hái làm quả ăn, nhân dân ta còn lấy từ cây na nhiều vị thuốc quý.

 

Cây na chứa nhiều vị thuốc quý.
Cây na chứa nhiều vị thuốc quý.

 

2. Vì sao cần đặc biệt cẩn trọng với hạt na?

Na vốn là loại quả bổ dưỡng vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, thơm ngon và dễ dùng. Thế nhưng,  trong quả na thì hạt na lại rất độc, thậm chí có thể gây ngộ độc đường tiêu hóa.

Nếu sơ ý nuốt phải hạt na còn nguyên vỏ thì không nên lo lắng do hạt na có vỏ dày và rất cứng bao bọc, ngăn không cho độc tố trong nhân hạt phát ra ngoài và sẽ được tống ra ngoài với phân nên không nguy hại đến sức khỏe.

Nhưng nếu nuốt phải hạt na bị dập nát hay cố ý cắn vỡ hạt na có thể dẫn đến ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng (tùy vào số lượng hạt na nuốt phải) do trong hạt chứa các acetogenin: squamosten A, anoslin, neo -desacetyluvaricin, neo - anonin - B, neo - reliculatacin A, các squamocin, các squamostatin... không tốt cho sức khỏe.

Do hạt na có độc tính, có thể giết chết côn trùng nên thường được dùng để nấu lấy nước gội đầu chữa chấy, rận.

Ngoài ra, độc tố trong hạt na nếu bị dính vào mắt không chỉ gây bỏng mắt, bỏng biểu mô giác mạc. Nếu sơ cứu, chữa trị không đúng dễ gây viêm loét giác mạc, dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Còn nếu bị vương trên da, nhất là dính vào vết thương hở trên da sẽ dễ dẫn đến lở loét, viêm nhiễm nặng nề, hủy hoại da.

 

Độc tính trong hạt na có thể gây bỏng mắt (bỏ chữ góc ảnh)
Độc tính trong hạt na có thể gây bỏng mắt (bỏ chữ góc ảnh)

3. Bộ phận dùng làm thuốc từ cây na

Từ cây na, có thể lấy quả, lá, rễ, hạt làm thuốc. Cụ thể:

- Quả na: Quả na vị ngọt, hơi chua, tính ấm, quy kinh tỳ, phế, thận... có tác dụng hạ khí, tiêu đờm, chủ trị lỵ, tiết tinh, đái tháo, tiêu khát, nhọt vú.

- Lá na: Lá na có vị đắng, hăng, chát. Tác dụng hòa giải thiếu dương; chủ trị sốt rét cơn với liều dùng 20-30g/ngày.

- Rễ na: Rễ na có tác dụng an hồi, chủ trị giun đũa chòi lên, ợ ra nước rãi trong.

- Hạt na: Hạt na có tác dụng trừ chấy, rận.

 

Hạt na có tác dụng trừ chấy, rận.
Hạt na có tác dụng trừ chấy, rận.

 

4. Món ăn, bài thuốc từ na

- Chữa lỵ, tiết tinh, đái tháo, tiêu khát: Quả na chín, ăn 1 trái sau bữa ăn.

- Chữa nhọt vú: Na điếc 1 quả, giấm liều lượng vừa phải. Quả na điếc phơi khô, tán thành bột, trộn với giấm và lấy hỗn hợp bôi lên vùng da vú bị nhọt.

- Chữa sốt rét cơn: Lá na 1 nắm, giã nhỏ lá na, chế nước sôi, vắt lấy nước cốt uống trước khi lên cơn 2 giờ, ngày 01 lần.

- Trị giun đũa, ợ ra nước rãi trong: Rễ cây na, rửa sạch, sao qua, sắc uống.

Theo Sức khỏe & Đời sống