Lá lốt có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe, đặc biệt được sử dụng như một bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng ra mồ hôi tay chân.
Lá lốt có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe, đặc biệt được sử dụng như một bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng ra mồ hôi tay chân.
Nếu bạn thường xuyên ra mồ hôi tay, chân hoặc ở các bộ phận khác trên cơ thể mà không phải do nhiệt độ cao, bạn có thể mắc chứng tăng tiết mồ hôi. Tình trạng này không nguy hại hay ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc, khiến họ cảm thấy tự ti.
Ra mồ hôi tay chân không thể chữa dứt điểm nhưng bạn có thể kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng ra nhiều mồ hôi bằng cách sử dụng bài thuốc dân gian từ lá lốt.
1. Tìm hiểu về chứng ra mồ hôi tay chân
Đổ mồ hôi tay và chân quá nhiều cho dù thời tiết lạnh hay nóng được gọi là tình trạng tăng tiết mồ hôi hoặc rối loạn hệ thần kinh thực vật. Thông thường tình trạng này thường mang tính di truyền, xuất hiện từ lúc nhỏ hoặc giai đoạn trước khi dậy thì, có xu hướng nặng hơn khi trưởng thành và khó có thể chữa dứt điểm.
Chứng ra mồ hôi tay chân do tăng tiết mồ hôi không nguy hiểm, nhưng có thể dẫn tới tình trạng hôi chân và dễ nhiễm nấm.
Ngoài ra, đổ nhiều mồ hôi cũng có thể là triệu chứng của một số vấn đề sức khoẻ khác như : tiểu đường, thời kỳ mãn kinh/bốc hỏa, lượng đường trong máu thấp, cường giáp, các vấn đề về hệ thần kinh, nhiễm trùng, thiếu dưỡng chất, ...
Do đó, khi thấy cơ thể tiết nhiều mồ hôi và xuất hiện thêm một số triệu chứng bất thường khác, mọi người nên đến bệnh viện để tìm chính xác nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
2. Hướng dẫn cách khắc phục chứng ra mồ hôi tay chân bằng lá lốt
2.1. Công dụng của lá lốt
Lá lốt có tên khoa học là Piper lolot C, thuộc họ Hồ tiêu, được sử dụng để chế biến các món ăn. Lá lốt thường bị nhầm với lá trầu không nhưng là lốt không có hương vị đậm đà của lá trầu và nhỏ hơn.
Lá lốt là một loại thảo mộc lâu năm có thân rễ bò và thân có sọc cao tới 40 cm. Lá mỏng, hình trái tim, dài 8 - 10cm và rộng 8 - 11 cm, có 5 gân chính từ gốc phiến, các tuyến dầu ở mặt trên và các gân có lông tơ mịn ở mặt dưới. Cuống lá dài 2,5 - 3 cm. Các gai trắng mọc dài 1 - 2 cm mọc ở nách.
Khi chế biến món ăn, mọi người thường dùng lá nhưng khi sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh, tất cả các bộ phận của cây đều được tận dụng.
Lá lốt có vị cay, hơi nồng và có tính ấm. Trong thành phần của lá lốt có chứa kcal, nước, protein, chất xơ, canxi, photpho, sắt, vitamin C, chất chống oxy hóa naringenin. Rễ lá lốt chứa chất benzyl axetat, lá và thân chứa chất alkaloid và beta-caryophylen.
Theo Đông y, lá lốt có nhiều công dụng như hỗ trợ trị điều trị các chứng phong, hàn, thấp và tê bại chân tay, chứng rối loạn tiêu hoá, đầy hơi, nôn mửa, bệnh thận, chữa đau nhức xương khớp, đau đầu, đau răng, ...
Đặc biệt, lá lốt còn được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian hỗ trợ điều trị chứng ra mồ hôi tay chân.
2.2. Bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng ra mồ hôi tay chân
Bài thuốc ngâm chân, tay với lá lốt
- Chuẩn bị: 30g lá lốt tươi cùng với 1 muỗng cà phê muối
- Thực hiện: Đầu tiên, các bạn đem lá lốt rửa sạch và cắt nhỏ lá lốt. Sau đó, đem đun lá lốt cùng với 1 lít nước và 1 muỗng cà phê muối đến khi sôi. Để nước ở nhiệt độ khoảng 38 đến 43 độ C và ngâm chân với tay trong vòng 15 phút.
Bài thuốc uống từ lá lốt
- Chuẩn bị: 100 lá lốt phơi khô cùng 1 lít nước
- Thực hiện: Bạn chỉ cần cho nước lá lốt khô vào đun cùng với nước và uống hàng ngày cho đến khi mồ hôi ra ít hơn. Sau đó, mỗi tuần bạn chỉ nên uống 2 đến 3 ngày hoặc 1 đến 2 ngày khi chứng bệnh đã thuyên giảm nhiều.
Ngoài việc áp dụng bài thuốc dân gian từ lá lốt, mọi người có thể kết hợp thêm một số biện pháp khác để kiểm soát tình trạng ra nhiều mồ hôi tay hiệu quả hơn:
- Luôn mang khăn lau bên người
- Uống nhiều nước
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
3. Một số lưu ý khi sử dụng lá lốt khắc phục chứng ra mồ hôi tay chân
Mặc dù lá lốt có hiệu quả trong việc giảm tình trạng ra nhiều mồ hôi tay, chân nhưng mọi người nên lưu ý một số điều sau khi sử dụng lá lốt để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ:
- Lá lốt chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, đặc biệt không thể chữa dứt điểm tình trạng ra mồ hôi tay chân.
- Vì lá lốt có tính ấm, vị cay nên khi sử dụng nhiều có thể gây táo bón, nhiệt miệng, nóng trong người. Do đó, mỗi ngày không nên dùng quá 100g lá lốt. Những người bị nóng gan, nhiệt miệng nên thận trọng khi ăn hoặc uống nhiều lá lốt.
- Lá lốt có thể gây ra tình trạng mất sữa hoặc loãng sữa. Do đó, phụ nữ đang cho con bú không nên áp dụng bài thuốc uống từ lá lốt.
- Bài thuốc từ lá lốt chưa được chứng minh khoa học, chỉ là bài thuốc dân gian truyền miệng nên mọi người có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Theo Phụ nữ Việt Nam