Nhiều người luôn nghĩ rằng, khoai tây là thực phẩm chứa nhiều tinh bột và là thủ phạm gây tăng cân. Nhưng sự thật thì lại không hoàn toàn như vậy, khoai tây thực sự có thể thúc đẩy giảm cân nếu tiêu thụ đúng cách.
Nhiều người luôn nghĩ rằng, khoai tây là thực phẩm chứa nhiều tinh bột và là thủ phạm gây tăng cân. Nhưng sự thật thì lại không hoàn toàn như vậy, khoai tây thực sự có thể thúc đẩy giảm cân nếu tiêu thụ đúng cách.
Sự thật về dinh dưỡng của khoai tây cho thấy rằng nó có thể là một phần rất tốt cho sức khỏe giúp giảm cân hiệu quả bằng một chế độ ăn uống cân bằng và được chế biến đúng cách.
1. Thành phần dinh dưỡng của khoai tây
Khoai tây chứa nhiều chất dinh dưỡng thực vật, có tác dụng tăng cường sức khỏe. Các chất dinh dưỡng thực vật trong khoai tây bao gồm carotenoid, flavonoid và axit caffeic. Trong 100g khoai tây có 77 Kcal, 17,49g carbohydrate, 2,05g chất đạm, 0,1g chất béo, 2,1g chất xơ…
Vitamin C trong khoai tây hoạt động như một chất chống ôxy hóa. Các chất này có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn một số loại tổn thương tế bào.
Khoai tây cũng là một nguồn cung cấp kali dồi dào, chúng thậm chí còn có nhiều kali hơn cả quả chuối, và rất nhiều kali được tìm thấy trong vỏ khoai tây. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, kali là một khoáng chất giúp giảm huyết áp thông qua các hoạt động của nó như một chất làm giãn mạch (mở rộng mạch máu).
2. Tại sao khoai tây lại tốt cho việc giảm cân?
Carbohydrate trong khoai tây là dạng carbohydrate phức hợp, thực sự ít calo và giàu chất xơ. Vì vậy ăn những thực phẩm này giúp cơ thể tiêu thụ ít calo hơn và cảm thấy no hơn. Trong khi đó, các loại carbohydrate tinh chế và đơn giản trong bánh ngọt, bánh quy giòn và ngũ cốc ăn sáng, được chế biến và do đó có hàm lượng calo cao hơn mà không có chất xơ. Vì vậy, khi ăn những thực phẩm này, bạn đang tiêu thụ rất nhiều calo mà không cảm thấy no, vì vậy sẽ ăn nhiều hơn và có thể dẫn đến tăng cân.
Carbs tinh chế còn có tác dụng giúp tăng cường giải phòng dopamine mà não của chúng ta nhận được khi tiêu thụ, có nghĩa là khả năng tiêu thụ quá mức và tăng cân cao hơn. Thông thường, carbohydrate đã qua chế biến có thêm đường và dầu, tăng cường cả calo và khả năng tiêu thụ.
Tác dụng gây no của khoai tây là do khối lượng thức ăn và nhiều nước, nhiều chất xơ, hàm lượng protein cao (gần 10g). Chất xơ, chủ yếu được tìm thấy trong vỏ, giúp tiêu hóa chậm, thúc đẩy cảm giác no và giảm cảm giác đói. Khoai tây cũng chứa một hợp chất gọi là chất ức chế proteinase II, có tác động đến việc tiết hormone, dẫn đến giảm cảm giác đói và tiêu hóa chậm hơn. Sự kết hợp giữa chất xơ và protein giúp tăng cảm giác no, hỗ trợ giảm cân.
3. Chế độ ăn kiêng khoai tây giúp giảm cân
Chế độ ăn kiêng khoai tây là một giải pháp giảm cân nhanh trong thời gian ngắn. Khoai tây là nguồn cung cấp calo chính trong chế độ ăn kiêng này. Có nhiều biến thể của chế độ ăn kiêng khoai tây, nhưng ở dạng đơn giản nhất, những người thực hiện sẽ không ăn gì ngoài khoai tây thường trong vài ngày. Vì chế độ ăn kiêng này là hạn chế, nó không có nghĩa là phải tuân theo lâu dài.
Mặc dù có các biến thể khác nhau, nhưng tất cả các chế độ ăn kiêng khoai tây đều có chung một điểm là thuần chay, ít chất béo và khuyến khích ăn cho đến khi no. Thay vì cân đo khẩu phần hoặc đếm calo, những người theo chế độ ăn kiêng khoai tây được khuyến khích ăn cho đến khi no. Đây là lúc bạn nạp vào cơ thể những thực phẩm có lượng calo thấp hơn một cách tự nhiên. Mặc dù bạn ăn ít calo hơn trong ngày, nhưng ăn một lượng lớn sẽ khiến bạn cảm thấy no lâu.
Để làm cho chế độ ăn kiêng khoai tây trở nên cân bằng và bền vững hơn, có thể kết hợp các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật hoàn toàn như trái cây, rau, ngũ cốc và các loại đậu. Những thực phẩm này tự nhiên ít chất béo hơn trong khi giàu protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
4. 3 cách giảm cân với khoai tây đơn giản, dễ làm
4.1 Khoai tây luộc giúp giảm cân hiệu quả
Nguyên liệu: 500g khoai tây, muối hoặc giấm.
Chế biến: Khoai tây sau khi rửa sạch sẽ, gọt vỏ, ngâm vào nước lạnh để không bị thâm. Để khoai tây khi luộc không bị nứt nên bỏ một ít muối trong nước ngâm khoảng 10-15 phút, sau đó vớt ra để ráo.
Luộc khoai tây với tỉ lệ nước và khoai tây là 1:1, để lửa vừa không quá nhỏ hoặc quá lớn. Luộc trong khoảng 5-10 phút, không nên để quá lâu khoai dễ bị nhừ nát.
Khoai tây luộc có thể ăn kèm với sữa chua không đường, dùng để làm bữa sáng trưa hay tối đều phù hợp.
4.2 Khoai tây nướng thì là
Nguyên liệu: 500g khoai tây, thì là, dầu oliu.
Chế biến: Khoai tây gọt vỏ rửa sạch, dùng khăn thấm nước. Loại bỏ những vết thâm, đốm trên vỏ khoai tây sau đó dùng nĩa châm xung quanh khoai tây 2-3 lần. Quét dầu oliu xung quanh khoai tây rồi cho vào lò nướng. Nướng ở nhiệt độ 220 độ C trong khoảng 45-60 phút. Hoặc có thể nướng trong thời gian lâu hơn với nhiệt độ thấp và còn tùy vào kích thước khoai tây để căn thời gian nướng sao cho ngon.
Sau đó nêm gia vị vừa ăn và trang trí khoai tây đã nướng bằng thì là. Có thể ăn kèm với phô mai.
4.3 Salad khoai tây
Nguyên liệu: 500g khoai tây, xà lách, cà chua bi, dưa chuột, chanh.
Chế biến: Xà lách và dưa chuột thái nhỏ, cà chua bi bổ đôi. Khoai tây rửa sạch, gọt vỏ cho vào nồi luộc chín, bỏ ra để nguội. Sau đó cắt quân cờ rồi trộn các nguyên liệu xà lách, dưa chuột, cà chua bi vào. Nêm gia vị muối và tiêu, cuối cùng cho thêm nước cốt chanh và dầu oliu nữa là hoàn thành món ăn hoàn hảo để giảm cân.
Để thực hiện mụa tiêu giảm cân, cần tập thể dục đều đặn, đảm bảo ngủ đủ giấc, đúng giờ. Chế độ ăn uống tốt nhất luôn là chế độ ăn uống cân bằng và phù hợp với lối sống của bạn.
Theo Sức khỏe & Đời sống