10:05, 12/05/2022

Thay đổi màu da - cảnh giác với bệnh bạch biến

Bạch biến là bệnh rối loạn sắc tố ở da và niêm mạc, đặc trưng là xuất hiện các đốm trắng, giảm hoặc mất sắc tố. Các đốm trắng này có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào của cơ thể, khiến vùng da loang lổ chỗ trắng, chỗ đen, gây mất thẩm mỹ và tự tin trong giao tiếp.
 

Bạch biến là bệnh rối loạn sắc tố ở da và niêm mạc, đặc trưng là xuất hiện các đốm trắng, giảm hoặc mất sắc tố. Các đốm trắng này có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào của cơ thể, khiến vùng da loang lổ chỗ trắng, chỗ đen, gây mất thẩm mỹ và tự tin trong giao tiếp.
 
Bạch biến không phải là bệnh truyền nhiễm, không có tính chất lây từ người sang người. Bệnh dễ gặp ở gia đình có người mắc bệnh, người có bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt viêm tuyến giáp tự miễn. Người có rối loạn nội tiết như bệnh suy tuyến thượng thận, bệnh tiểu đường, bị rụng tóc từng mảng. Một số người bệnh viêm ruột, thiếu máu ác tính, vảy nến, tổn thương thần kinh cũng dễ mắc bệnh.
 
Dấu hiệu nhận biết
 
Ban đầu, các vết bạch biến xuất hiện trên da mu bàn tay, màu trắng nhạt hình tròn hay bầu dục, nằm rời rạc rõ ràng, không ngứa, không đau. Sau, các đốm trắng rõ rệt hơn, lan rộng hơn, có thể dính 2-3 đốm lại với nhau thành đốm lớn hơn, tồn tại lâu trên da, có thể đến chục năm.
 
Bạch biến chia làm 2 thể chính: thể khu trú và thể lan tỏa.
 
Đối với thể khu trú: Bạch biến từng điểm (Focal vitiligo): một hoặc nhiều dát giảm sắc tố ở một vị trí. Bạch biến thể đoạn (Segmental vitiligo): tổn thương là một hoặc nhiều dát giảm sắc tố, phân bố theo đường đi của dây thần kinh, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em.Thể niêm mạc (Mucosal vitiligo): chỉ có tổn thương ở niêm mạc.
 
Đối với thể lan tỏa: Thể ở các cực (Acrofacial vitiligo): tổn thương ở các ngón tay, chân và quanh các hốc tự nhiên ở mặt. Thể thông thường (Vitiligo vulgaris): các mảng giảm sắc tố riêng rẽ và phân bố rộng rãi. Thể hỗn hợp (Mixed vitiligo): tổn thương bao gồm cả ở các cực và rải rác toàn thân. Bạch biến toàn thể (universal vitiligo): giảm sắc tố toàn bộ hoặc gần như toàn bộ cơ thể, thường phối hợp với các hội chứng nội tiết.

 

Hình ảnh trong bệnh bạch biến.
Hình ảnh trong bệnh bạch biến.

 

Về điều trị
 
Vì nguyên nhân gây bệnh chưa biết rõ nên chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Vì thế khi phát hiện các đốm trắng trên da, người bệnh cần khám, tư vấn và điều trị ở chuyên khoa da liễu. Với những trường hợp đơn giản, số lượng đốm trắng ít, được phát hiện ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ kê thuốc thoa như corticosteroid, thuốc ức chế calcineurin dạng thoa, vitamin D3...
 
Ngoài ra, tia UVB dải hẹp hiện nay là đại diện cho liệu pháp điều trị ánh sáng đối với bạch biến không hoạt động. Liệu pháp này có thể làm phục hồi sắc tố trên 75% ở hơn 70% bệnh nhân và tỉ lệ tái phát thấp hơn các phương pháp điều trị tại chỗ khác. Tác dụng phụ thường gặp là đỏ da, ngứa, sạm da. Có thể phối hợp NB-UVB với corticoid bôi, tacrolimus bôi và các thuốc chống ôxy hóa để tăng hiệu quả điều trị bệnh.
 
Lời khuyên thầy thuốc
 
Để phòng ngừa bệnh cần hạn chế tiếp xúc với nắng, bảo vệ da khỏi ánh nắng như đội mũ rộng vành, đeo kính mát, mặc quần áo dài, thoa kem chống nắng phổ rộng trước khi ra ngoài 30 phút. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng không có sự gia tăng nguy cơ ung thư ở bệnh nhân bạch biến so với người bình thường. Sử dụng kem chống nắng ở bệnh nhân bạch biến được khuyến cáo tương tự như người bình thường. Ở những bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp ánh sáng, cần tránh nắng tích cực, hạn chế tiếp xúc với tia UV từ môi trường và nên được kiểm tra da định kì. Giảm stress, tránh thức khuya, tránh dùng các chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá... Chăm sóc da hằng ngày, dùng dưỡng ẩm để nuôi dưỡng da, để ý các đốm trắng bất thường trên da để điều trị kịp thời,...
 
Theo Sức khỏe & Đời sống