10:04, 03/04/2022

Niềm vui của em

Đã bao giờ bạn tự hỏi niềm vui trong cuộc sống của mình bắt nguồn từ đâu chưa? Từ một món quà nhỏ; từ một sự quan tâm, chăm sóc hay giúp đỡ, sẻ chia. Riêng tôi và các học sinh tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh, niềm vui thật đơn giản là được đến lớp nghề vào mỗi chiều thứ Ba và thứ Năm hàng tuần.

Đã bao giờ bạn tự hỏi niềm vui trong cuộc sống của mình bắt nguồn từ đâu chưa? Từ một món quà nhỏ; từ một sự quan tâm, chăm sóc hay giúp đỡ, sẻ chia. Riêng tôi và các học sinh tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh, niềm vui thật đơn giản là được đến lớp nghề vào mỗi chiều thứ Ba và thứ Năm hàng tuần.


Đó là lớp “Kỹ năng phục vụ nhà hàng khách sạn” dành cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và học sinh khuyết tật do Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tổ chức miễn phí tại Văn phòng Hội (số 11 Sinh Trung, TP. Nha Trang). Tôi thật sự hạnh phúc khi được tham gia hỗ trợ ngôn ngữ ký hiệu và phụ trách lớp nghề cùng các anh chị nơi đây, những người hòa đồng, dễ thương, ân cần và rất nhiệt tình. Không chỉ riêng tôi, các học sinh khuyết tật đều cảm nhận được điều đó.

 

Các hoạt động trong giờ học. Các hoạt động trong giờ học.

Các hoạt động trong giờ học


Lớp học nghề bình dị, chỉ đặt đủ 4 cái bàn cho 14 học sinh trong một căn phòng nhỏ nhưng ấm áp vô cùng và đong đầy tình yêu thương. Lớp học có cô giáo Kim, dịu dàng và rất nhẹ nhàng. Tuần đầu tiên lên lớp với đối tượng học sinh hoàn toàn mới lạ (học sinh khuyết tật nghe nói và chậm phát triển trí tuệ), cô Kim hơi bỡ ngỡ, còn trò thì hồn nhiên. Với ánh mắt đầy trìu mến và trái tim chân thành, cô Kim đã gần gũi từng em, hỏi tên, tuổi, tìm hiểu thứ “ngôn ngữ bằng tay” để cùng hòa vào thế giới với các em. Còn các em thì cứ vui vẻ trò chuyện với cô như đã thân quen từ lâu. Chỉ sau một tuần, cô Kim đã hiểu tâm lý các em. Biết các em khó khăn về nghe nói, hạn chế về ngôn ngữ, cô đã điều chỉnh nội dung bài dạy phù hợp với các em: ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu và luôn có hình ảnh minh họa, đồ dùng trực quan sinh động tạo hứng thú cho các em trong giờ học. Không những thế, cô luôn khuyến khích các em bằng những phần thưởng nhỏ nhằm giúp các em có động lực để cố gắng học tốt.


Lớp nghề còn có thầy Lương Sơn, mỗi khi đến tiết của thầy là lớp học vui nhộn hẳn lên. Lần đầu tiếp cận với môn học mới, dụng cụ, đồ dùng mới, các em còn rất vụng về, thầy Sơn luôn động viên “từ từ các em sẽ làm được”, “sau khóa học các em sẽ làm tốt”… Và cứ thế, các em hăng say thực hành theo chỉ dẫn của thầy. Nói đến lớp nghề là các em nhắc đến thầy Biên. Các em gọi thầy Biên là “sư phụ” xếp khăn. Buổi học nào thầy Biên lên lớp là lớp học sôi động, náo nhiệt bởi các em được thực hành nhiều kỹ năng, được biểu diễn; còn thầy luôn tuyên dương các em: “Em làm tốt lắm; em xếp đẹp, nhanh…”.


Một tháng học đã trôi qua, tuy mỗi tuần chỉ được đến lớp nghề hai buổi nhưng với sự giảng dạy tận tình, hướng dẫn tỉ mỉ của các thầy cô, đến nay, các em đã biết nhận diện dụng cụ sử dụng trong nhà hàng, khách sạn; biết cách lau, rửa, vệ sinh đồ dùng nhà bếp; thực hiện được 8 cách xếp khăn ăn đúng, đẹp và làm quen với dụng cụ pha chế, bưng, bê.


Khóa học của các em mới đi được 1/3 chặng đường, cha mẹ các em rất phấn chấn, luôn đồng hành cùng con. Họ gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các thành viên trong hội, cảm ơn cô Kim, thầy Sơn, thầy Biên, đặc biệt là cô Trần Thị Ngọc Liên - nguyên Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh, hiện nay là Phó Chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A. Yersin. Hơn ai hết, cô Liên là người thấu hiểu ước muốn của các em khuyết tật nơi đây và nguyện vọng của phụ huynh, cô là người kết nối để các em có được cơ hội đến với lớp nghề hôm nay.


 Trần Thị Mỹ Ái