Lo ngại dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ nên năm nay, nhiều người không dám trồng kiệu Tết, diện tích trồng kiệu Tết vì thế giảm kỷ lục.
Lo ngại dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ nên năm nay, nhiều người không dám trồng kiệu Tết, diện tích trồng kiệu Tết vì thế giảm kỷ lục.
Diện tích giảm
Những ngày này, về các vùng trồng kiệu tìm ruộng kiệu “đỏ mắt”. Diện tích kiệu suy giảm nghiêm trọng, vùng trồng kiệu không còn là vùng chuyên canh mà chỉ là những ruộng kiệu đơn lẻ, thưa thớt.
Ông Nguyễn Văn Thao (thôn Quảng Hòa, xã Cam Thành Cam, TP. Cam Ranh) cho biết, do lo ngại thị trường bấp bênh vì dịch Covid-19 nên năm nay gia đình ông chỉ trồng 6.000m2, trong khi mọi năm lên đến 2ha. Năm nay, mưa lũ có ảnh hưởng đến cây kiệu, song khu vực Cam Thành Nam ít thiệt hại nên năng suất khoảng 1-1,2 tấn/sào.
Tuy chưa thu hoạch nhưng ruộng kiệu hơn 8 sào của ông Nguyễn Ngọc Lưu, thôn Quảng Hòa không hy vọng cho năng suất cao. Ông Lưu cho rằng, mưa nhiều vào dịp cuối năm ảnh hưởng đến năng suất bởi củ kiệu có thể bị chẻ thành nhiều củ nhỏ.
Ông Ngô Văn Nhẹ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nam cho biết, Cam Thành Nam là thủ phủ cây kiệu của tỉnh, cao điểm diện tích có thể lên tới 50ha. Năm nay, do lo ngại dịch Covid-19, diện tích kiệu chỉ còn khoảng 1/10.
Tại huyện Cam Lâm, tình trạng cũng tương tự. Toàn huyện chỉ còn vài héc-ta nông dân thuê trồng tại khu vực Vùng 4 Hải quân, trong khi trước đây trồng vài chục héc-ta. Xã Cam Thành Bắc những năm trước trồng kiệu khá nhiều, nay tìm đỏ mắt không thấy ruộng kiệu nào. Theo ông Thái Lộc Bá Ánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã, diện tích kiệu suy giảm do nhiều nguyên nhân, như: tình hình dịch Covid-19; người trồng chuyển đổi sang cây trồng khác, nhất là cây ăn quả; giá cả, vật tư phân bón tăng; thiếu nguồn rác tủ ấm cho kiệu; giá nhân công tăng… Ngoài ra, tình trạng sốt đất hiện nay là nguyên nhân chính khiến nhiều người không còn màng tới cây kiệu.
Hy vọng nhu cầu tăng cao dịp cuối năm
1 tuần trở lại đây, tình hình thu mua kiệu Tết có chuyển biến. Thương lái các nơi tìm tới ruộng kiệu thu mua vì nhận thấy diện tích, sản lượng kiệu quá thấp, không chỉ tại Khánh Hòa mà ở các vùng trồng kiệu khác phía nam. Dự báo nhu cầu sẽ tăng cao dịp cuối năm.
Song, việc thu mua hiện nay vẫn là kiểu “mua đón”, tức thương lái tới xem, chồng tiền cọc, ghi nhận giá mua nhưng vẫn chưa thu hoạch ngay mà nhờ nông dân giữ hộ, chờ đến ngày thu hoạch. Nếu từ nay đến lúc thu hoạch, ruộng kiệu xảy ra những vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng, nông dân phải chịu trách nhiệm và bị cấn trừ vào tiền mua. Do lo ngại giá cả biến động, ông Thao vừa bán cho thương lái với giá 30 triệu đồng/sào, lãi 10 triệu đồng/sào. Giá bán này xấp xỉ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo ông Lưu, giá cả hiện nay còn nhiều biến động bởi các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh (nơi tập trung nông sản khắp nơi) tuy đã mở cửa trở lại nhưng chưa thu mua kiệu. Vì vậy, nhiều nông dân vẫn chưa bán và nghe ngóng tình hình. Hy vọng giá cuối năm sẽ có nhiều biến động có lợi cho nông dân khi nguồn cung thấp kỷ lục.
V.L