Nhiều năm qua, tôm chân trắng rất hợp với vùng đất Khánh Hòa và đem lợi nguồn lợi kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm xuất hiện ngày càng nhiều khiến người nuôi lao đao.
Nhiều năm qua, tôm chân trắng rất hợp với vùng đất Khánh Hòa và đem lợi nguồn lợi kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm xuất hiện ngày càng nhiều khiến người nuôi lao đao. Vì thế việc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III nghiệm thu đề tài chữa bệnh do Vibrio trên tôm chân trắng không những trị bệnh cho vật nuôi này mà còn mở ra hướng chữa bệnh cho nhiều đối tượng thủy sản nuôi khác .
“Lá chắn” IgY
Tên đầy đủ của đề tài là “Nghiên cứu tạo kháng thể IgY phòng và trị bệnh do Vibrio trên tôm chân trắng” do Thạc sĩ Võ Đức Duy làm chủ nhiệm. Hiểu một cách nôm na thì thay vì trị bệnh cho con tôm bằng thuốc thì các nhà khoa học sẽ tạo kháng thể của tôm đối với mầm bệnh. Và kháng thể mà cách nhà khoa học đang hướng đến chính là kháng thể IgY. Theo Thạc sĩ Võ Đức Duy, bệnh do vi khuẩn Vibrio là loại bệnh phổ biến trên tôm chân trắng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp nuôi tôm. Việc lạm dụng quá mức kháng sinh, ô nhiễm môi trường nuôi đã tạo ra các chủng vi khuẩn Vibrio có khả năng kháng kháng sinh đã làm giảm hiệu quả điều trị bệnh. Bên cạnh đó, tồn dư chất kháng sinh và hóa chất xử lý môi trường trong thịt tôm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì thế, để đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, tăng năng suất, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, các nhà khoa học khuyến cáo cần hạn chế sử dụng kháng sinh và hóa chất; thay thế bằng vắc xin, kháng thể nhằm làm tăng khả năng miễn dịch tự nhiên ở tôm.
Xuất phát từ cơ sở lý luận về tính ưu việt của công nghệ sản xuất kháng thể IgY, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã triển khai đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu tạo kháng thể IgY phòng và trị bệnh do Vibrio trên tôm chân trắng” làm nền tảng ứng dụng kháng thể IgY phòng bệnh trên các đối tượng nuôi thủy sản quy mô công nghiệp.
Hiệu quả trên các loài nuôi khác
Sau 4 năm nghiên cứu, đề tài vừa được nghiệm thu năm 2021. Nhóm các nhà khoa học của viện đã nghiên cứu thành công tạo kháng thể đặc hiệu Anti Vibrio - IgY trên phôi gà. Sau đó, đưa ra phương pháp chiết xuất, bảo quản và đề xuất ứng dụng kháng thể IgY. Kết quả, đề tài đã hoàn chỉnh quy trình tạo vắc xin, cho hiệu quả tạo kháng thể IgY cao, thời gian thu trứng có kháng thể kéo dài 9 tháng; xây dựng quy trình sử dụng kháng thể IgY trong nuôi tôm để phòng và trị bệnh do vi khuẩn Vibrio; chiết suất và thử nghiệm kháng thể đặc hiệu IgY ở quy mô sản xuất trên 2 dòng vi khuẩn V. harveyi, V. parahaemolyticus sử dụng trong các thử nghiệm nuôi tôm ngoài thực địa tại tỉnh Bạc Liêu (12 tấn).
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Duy Kháng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia, thông qua việc ứng dụng kháng thể IgY trong nuôi tôm chân trắng cho thấy, hiệu quả bảo hộ của kháng thể trước bệnh EMS (hội chứng tôm chết sớm) và bệnh phát sáng đạt 77 - 82%. Về hiệu quả kinh tế, người nuôi tôm sẽ giảm được những chi phí trong việc sử dụng kháng sinh, giá bán tôm sử dụng kháng thể được thu mua cao hơn so với tôm nuôi thông thường từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg. Kết quả đề tài cho thấy tiềm năng lớn khi ứng dụng kháng thể hoặc các chất làm tăng miễn dịch tự nhiên ở tôm thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Trong tương lai, nếu sản xuất kháng thể IgY ở quy mô công nghiệp, giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn rất nhiều. Ngoài ra, đề tài sẽ tạo tiền đề cho việc ứng dụng kháng thể trên tôm hùm, cá và các đối tượng nuôi thủy sản khác.
Kháng thể IgY (viết tắt của Yolk Immunoglobulin có nghĩa là kháng thể lòng đỏ trứng do có thể tìm thấy rất nhiều trong lòng đỏ trứng gà) được ứng dụng trong phân tích hóa sinh và được thử nghiệm lâm sàng như là thực phẩm chức năng và chất bảo vệ. Kháng thể IgY cũng được sử dụng để chống lại một số loại vi khuẩn, vi nấm gây bệnh.
V.L