Nghề lau kính trên các tòa nhà cao tầng là nghề nặng nhọc, nguy hiểm bấy lâu nay vốn chỉ dành cho nam giới. Nhưng hai năm qua, chị Trần Thị Thục Quyên (28 tuổi, quê ở thôn Quảng Phúc, xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) vẫn vượt qua mọi khó khăn, đu mình lau kính trên những tòa cao ốc.
Nghề lau kính trên các tòa nhà cao tầng là nghề nặng nhọc, nguy hiểm bấy lâu nay vốn chỉ dành cho nam giới. Nhưng hai năm qua, chị Trần Thị Thục Quyên (28 tuổi, quê ở thôn Quảng Phúc, xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) vẫn vượt qua mọi khó khăn, đu mình lau kính trên những tòa cao ốc.
Nghề nguy hiểm
Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi gặp chị Quyên ở một quán cà phê nhỏ ở TP. Cam Ranh, khi chị đang trong giai đoạn chuẩn bị cùng chồng đi nhận công trình đu dây lau kính cho một tòa nhà ở tỉnh Đồng Nai sau một thời gian tạm nghỉ chăm con nhỏ.
Trước đó, biết được nghề nghiệp của chị, khi chúng tôi thắc mắc tại sao là phụ nữ chân yếu tay mềm, chị lại chọn nghề nguy hiểm như vậy, chị Quyên cười rồi kể, ba mẹ chị đều là giáo viên, hai chị gái cũng đều làm việc trong cơ quan Nhà nước. Ngay từ thời còn đi học, chị Quyên đã được ba mẹ hướng học ngành Tài chính Ngân hàng sau này làm một công việc nhẹ nhàng.
“Khi sắp ra trường, tôi cũng xin thực tập ở một ngân hàng. Nhưng tính cách tôi không thích gò bó, thực tập được 1 tháng tôi đã chán ngán cảnh ngồi một ngày 8 tiếng giờ hành chính và thấy công việc này không phù hợp với mình nên quyết định chọn nghề khác tự do hơn”. Thích cái gì là quyết làm bằng được, tốt nghiệp ra trường chị Quyên đi làm nhiều nghề để trải nghiệm cuộc sống và đến tháng năm 2019 thì vào làm kế toán, kiêm quản lý cho một công ty xây dựng ở TP. Nha Trang. Tại đây, chị đi theo một đội đu dây leo kính toàn nam giới của công ty để làm giấy tờ, ký kết hợp đồng và quản lý đội. Chị Quyên kể:
“Tôi nhớ đợt đó là tháng 11-2019, đội của chúng tôi nhận đu dây, lau kính cho một tòa nhà 10 tầng ở Khu đô thị An Bình Tân. Đã nhận việc thì phải hoàn thành đúng tiến độ để bàn giao cho chủ, nhưng hôm đó có một số thành viên trong đội bận việc đột xuất xin nghỉ. Để bàn giao kịp tiến độ cho chủ, tôi đã nhờ các anh trong đội hướng dẫn để trực tiếp đu dây lau kính, và đó cũng là lần đầu tiên tôi trực tiếp làm nghề. Lần đầu đu dây tôi không có cảm giác sợ mà ngược lại còn thấy thích thú, thoải mái vì ở trên cao gió lồng lộng, chỉ cần quay ghế lại có thể ngắm được toàn cảnh thành phố tuyệt đẹp”.
Chị Quyên bộc bạch rằng, có tự mình bắt tay làm việc, đổ mồ hôi trên những khối bê tông cao ốc, mới thấm thía hết được những khó khăn, nguy hiểm mà những người đu dây lau kính đang làm. Hằng ngày, để khi đi lau kính ở công trình mỗi người phải vác một cuộn dây đu và một cuộn dây cứu sinh, mỗi cuộn 30kg – 40kg. Sau khi lên đến tầng cao nhất, các anh em trong đội tự giúp nhau buộc dây an toàn, dây đu, lắp ghế và bắt đầu kéo dây trượt xuống. Dụng cụ mang theo bên mình gồm 1 xô hóa chất vệ sinh, bông chà lau kính, gạt kính… Lau kính sẽ lau theo hàng, thứ tự từ trên xuống dưới, khi lau hết một hàng chạm đất lại leo lên để lau lại từ đầu. Đối với những mảng kính dính bê tông chết thì phải cần phải có lực tay mạnh, chà đi chà lại nhiều lần mới sạch được.
Nghề đu dây lau kính chỉ thực hiện được trong ngày nắng, mưa thì phải nghỉ không làm được. Nguy hiểm nhất là thời điểm đang đu dây trên cao thì gặp gió lớn, người văng theo dây xoay như chong chóng. Những lúc đó, người đu dây sẽ cố gắng tìm cách sử dụng cụ hút kính để cố định người mình lại không để gió quăng quật, đợi gió lặng lại tiếp tục công việc.
Hai vợ chồng “người nhện”
Chị Quyên và chồng là anh Đỗ Văn Toàn (28 tuổi) gặp gỡ và lấy nhau cũng trong những đợt đu dây lau kính cùng nhau ở một tòa nhà ở TP. Nha Trang. Hai anh chị lấy nhau, rồi tách ra lập đội đu dây lau kính làm riêng. Từ năm 2020 đến nay, do dịch bệnh nên người thuê làm việc ở TP. Nha Trang khan hiếm, anh chị chịu khó nhận công trình ở khắp các tỉnh, thành phố từ Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An đến TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai để làm.
Đội lau kính của vợ chồng chị Quyên có 5-10 người, thường rong ruổi trên các chuyến xe đò, đi khắp các công trình xây dựng để làm nghề, vào Nam hay ra Bắc, có công trình là chị Quyên đều đi theo để phụ giúp. Hiện nay, không chỉ lau kính, vợ chồng chị Quyên còn nhận làm thêm việc như sơn tường, lắp đèn led, lắp bảng hiệu quảng cáo…
Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý của con người mà chính con người mới làm nên cao quý cho nghề nghiệp. Nói về nghề mà mình đã lựa chọn theo đuổi, chị Quyên bộc bạch rằng, đã là nghề thì chị không phân biệt nam hay nữ, nghề gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm được. Chị luôn tâm niệm rằng, mình làm việc gì cũng được miễn sao là kiếm được đồng tiền một cách lương thiện để lo cho gia đình đó là điều may mắn, hạnh phúc lắm rồi.
THÁI THỊNH