12:02, 06/02/2021

Nhâm nhi… Tết

Tết này biết làm gì khi dịch Covid-19 vẫn luẩn quẩn chưa đi? Biết bao người đã khắc khoải câu hỏi này trong những ngày giáp Tết. Người xa quê nghe tin Covid-19 "tái xuất", nếu không ào ạt trả vé về quê thì cũng băn khoăn, trăn trở "về hay ở". Người địa phương cũng phải cân nhắc "đi chơi hay ở nhà" khi mỗi ngày lại có thêm ca bệnh mới. Viễn cảnh về một cái Tết lặng lẽ, hạn chế giao du dần hiển hiện.

Tết này biết làm gì khi dịch Covid-19 vẫn luẩn quẩn chưa đi? Biết bao người đã khắc khoải câu hỏi này trong những ngày giáp Tết. Người xa quê nghe tin Covid-19 “tái xuất”, nếu không ào ạt trả vé về quê thì cũng băn khoăn, trăn trở “về hay ở”. Người địa phương cũng phải cân nhắc “đi chơi hay ở nhà” khi mỗi ngày lại có thêm ca bệnh mới. Viễn cảnh về một cái Tết lặng lẽ, hạn chế giao du dần hiển hiện.


Lướt trên mạng, tìm một gợi ý hợp lý cho ngày Tết, bất chợt thấy đầu sách mới của Nhà xuất bản Kim Đồng “Nhâm nhi Tết - Tân Sửu 2021”. Lướt thêm chút ít, mới thấy những trang sách Tết đã ngập tràn từ nông thôn tới thành thị với bao niềm vui thơ bé. Nào là “Kể chuyện Tết Nguyên đán”, “Tết xưa thơ bé”, “Nhớ ơi là Tết”, “Giao thừa không đến muộn”, “Ngọn lửa đêm ba mươi”; thậm chí cả “Đúng là Tết!” với phiên bản tiếng Anh “This is Tet!”. Chẳng thiếu liên tưởng cho một Tết đủ đầy, từ mâm ngũ quả, câu đối đỏ, đến cặp bánh chưng, bánh tét, cây mai, cành đào, cây nêu ngày Tết, tranh Đông Hồ, hay trò đánh phết cổ xưa… Nhưng bánh chưng, cây nêu ở đồng bằng, ở Tây Nguyên và miền núi có gì khác nhau thì chưa chắc ai cũng biết. Cũng không chắc mọi người đều biết bún thang Hà Nội, món ăn “sáng tạo và công phu bậc nhất của các bà nội trợ Hà Nội” lại là món “dọn Tết” kỳ diệu...


Nhiều điều quen, cũng không ít điều lạ được mở lối qua những trang sách. Có những điều tưởng đã quá quen mà hóa vẫn lạ lẫm. Tất cả ký ức Tết xưa, những kỷ niệm đẹp đẽ tưởng đã ngủ yên, bất chợt ùa về; đặc biệt với thế hệ 60 - 70 của thế kỷ trước, cái thời ngoài áo mới, tiền mừng tuổi (lì xì), tràng pháo, viên kẹo, hạt mứt sen, nhất thiết phải thêm báo xuân, sách Tết mới đủ lệ bộ cho Tết. Bởi, sau những ngày dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, sắm sửa chuẩn bị Tết; khi đã hoàn tất các lễ lạt đầu năm, người ta mới có thời gian nhẩn nha đọc sách, báo Tết. Hồi xưa, người được “tết” tờ báo xuân, quyển sách Tết là quý lắm! Nhà nào có vài tờ báo xuân, 1 - 2 cuốn sách Tết đặt trên bàn tiếp khách, cạnh hộp mứt, ấy là sang lắm! Lật từng trang sách Tết, bồi hồi nhớ những chiều cuối năm tê cóng đôi tay vì ngồi rửa lá dong, đãi đậu xanh; nhớ những tối 30 Tết vừa trông nồi bánh chưng lục bục sôi, vừa cố hoàn tất khâu sên đường cho nồi mứt cà chua, mứt gừng. Buồn ngủ rũ mà trẻ nhỏ vẫn cố thức, háo hức chờ phút giao thừa, để được quây quần cùng người thân, thưởng thức cỗ giao thừa trong tiếng pháo nổ đì đùng, trong khói trầm thoảng giữa lây phây mưa phùn đầu năm, cùng ôn cố tri tân và cầu mong năm mới tràn đầy ước vọng.


Trên mạng, ai đó đưa lên tranh vẽ một người lười biếng nằm nhà với lời bình: “Xưa… là vô tích sự, nay là… yêu nước!”. Vâng, thời Covid hoành hành đã khiến nhiều quan niệm thay đổi. Nhưng cũng nhờ đó mới có dịp lắng lại với những giá trị xưa. Tết năm nay, khi mà nhiều người không ưu tiên mâm cao cỗ đầy, cũng không thể “xê dịch” để tránh lây lan dịch bệnh, mới chợt nhận ra cái thú vị khi được thư thái “sống chậm” qua từng trang sách, để hoài nhớ Tết xưa, trân quý Tết cổ truyền và đón năm mới theo một cách khác.


TIỂU MAI