10:02, 06/02/2021

Đón Tết nơi xứ người giữa mùa Covid

Khi nước Mỹ bắt đầu bước vào những ngày lạnh tái tê, đêm đến nhiệt độ tụt xuống dưới 0; bạn bè viết status mua vé về quê, hẹn nhau mùng mấy họp lớp, ở đâu, mặc áo màu gì; hết người này chụp hình hoa đào, hoa mai, tới người kia khoe mớ cúc trước sân hay vạn thọ hiên nhà bung nụ; khi thấy cô bạn học cũ ngày nào giờ một nách ba con rao bán chả nem lẫn củ kiệu, me ngâm; và chị tôi gọi điện qua hỏi, năm nay cậu có tính mua gạo phát cho bà con hông... cũng có nghĩa mùa xuân đã sắp về trên quê hương xứ sở. 

Khi nước Mỹ bắt đầu bước vào những ngày lạnh tái tê, đêm đến nhiệt độ tụt xuống dưới 0; bạn bè viết status mua vé về quê, hẹn nhau mùng mấy họp lớp, ở đâu, mặc áo màu gì; hết người này chụp hình hoa đào, hoa mai, tới người kia khoe mớ cúc trước sân hay vạn thọ hiên nhà bung nụ; khi thấy cô bạn học cũ ngày nào giờ một nách ba con rao bán chả nem lẫn củ kiệu, me ngâm; và chị tôi gọi điện qua hỏi, năm nay cậu có tính mua gạo phát cho bà con hông... cũng có nghĩa mùa xuân đã sắp về trên quê hương xứ sở. 
 
Dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ hai. Nước Mỹ vẫn loay hoay chống dịch. Ca dương tính lẫn số người chết ngày sau lập kỷ lục cao hơn ngày trước. Tôi vẫn đi làm từ đầu dịch tới giờ chưa nghỉ ngày nào giữa bộn bề lo lắng. Bạn gọi than em stress quá anh ơi. Ngày đi làm không cầm nổi vô lăng, tối về ngủ cũng chẳng tròn. Giờ bên nhà mở cửa bảo cách ly một tháng em cũng sẽ về chứ không chịu đựng được nữa rồi. Tôi chỉ biết thở dài rồi an ủi, chờ thêm ít tháng nữa đi em chứ dịch thế này đi lung tung rồi lây nhiễm khắp nơi, dẫu lòng dạ mình cũng rã rời tan nát. 
 
Hai mươi mốt mùa xuân viễn xứ, hơn chục năm nay tôi đều ăn Tết Ninh Hòa. Mọi năm, giờ này đã náo nức nôn nao, ngồi tính từng gói quà về tặng người thân ruột thịt. Đi đổi tiền mới hai đô la để lì xì lấy hên. Rồi mong ngóng chờ ngày lên máy bay dù ê mông, lưng mỏi. Để rồi năm nay quay lại làm người trễ hẹn mùa xuân y như hồi mới qua, mấy chữ “về quê ăn Tết” coi bộ khó như lên trời khi lương bảy tám đô một giờ, mà vé gần ngàn rưỡi bạc. Thôi, dẫu có buồn có nhớ gì cũng ráng dằn lòng hẹn cái Tết năm sau. Mà đâu phải chỉ mình mình không về được đâu. Sân bay Tân Sơn Nhất năm nay chắc vắng hẳn những gương mặt hân hoan, sướng vui khi chạm chân lên mảnh đất quê hương, dù phải ngồi hơn hai chục tiếng máy bay dài đằng đẵng. 
 

 

 
Không về nhà ăn Tết, chẳng cùng người thân đi dạo khắp chợ hoa mua cúc, thược dược, vạn thọ chất đầy sân, không ăn bữa tất niên quê nhà thì vẫn phải cố vui mà sống. Giữa xứ người mình phải chộn rộn hơn dẫu biết không khí chẳng thể nào bằng được ở Ninh Hòa yêu quý. Chị em bày nhau ra chuyện gói bánh tét. Vật dụng bên này có đủ đầy. Lá chuối dẫu đông lạnh nhưng vẫn thơm. Nếp bán đầy chợ rẻ òm. Mua mấy miếng thịt ba chỉ mỡ nhiều hơn nạc để bánh được mướt và ngon. Lâu lâu mới gói một lần nên ăn chắc không sợ cao máu đâu ha. Hành tiêu ớt tỏi nhà lúc nào cũng có. Dây sống lá tìm chẳng ra thôi thế bằng dây nhựa cũng vui mắt. 
 
Chị trải tấm lá chuối to ra bên dưới, lót thêm ít miếng ngăn ngắn, vụn vụn bên trên, lấy chén múc một chén nếp đổ vô, dùng tay gạt gạt, rải rải cho đều. Gắp miếng thịt mỡ trắng tinh, thơm lựng tiêu hành, thêm mớ đậu phộng (hoặc đậu xanh), rồi múc thêm chén nếp nữa rải đều phủ kín. Chị lật lá, cuộn tròn mấy bận. Bẻ một đầu, dựng bánh lên, dzọng dzọng cho xuống nếp rồi lấy dây cột lại. Trở đầu. Làm y chang thế. Chị để xuống sàn, rút cọng khác, bọc quanh, một đầu siết bằng răng, đầu kia theo tay phải xoay vòng quanh đòn bánh. Chẳng biết chị siết bằng cách nào mà bánh vừa đủ chặt. Không quá lỏng để nước lọt vô nhão nhoẹt. Chẳng quá mạnh tay hơi không đủ, bánh sẽ sống nhăn. Tôi ngồi khen, gói y chang dì Tám bên nhà. Chị cười bẽn lẽn. 
 
Một đỗi sau, thành quả là năm đòn bánh tét béo tròn nằm trên mâm. Bỏ vô xoong, chế ngập nước, bật bếp ga nấu cả ngày. Không có cảnh anh chị em quây quần bên nồi bánh tét thơm mùi khói bếp năm xưa, nhưng hơi ấm cũng tỏa ra khắp nhà, thích lắm. 
 
Bên này không có kiệu tươi thì mua kiệu ngâm chua sẵn. Nem chả hầu như chẳng thiếu chút nào. Măng khô măng tươi gì có đủ. Thịt vịt mua ở chợ nhiều mỡ quá, nên anh tôi đi tới nông trại mua một con vịt sống về. Làm lông cực thí mồ nhưng ngon hơn hẳn. Đem hầm với măng khô thiên hạ vô địch, không đâu sánh bằng. Đu đủ với cà rốt gọt vỏ, lấy dao cắt miếng cỡ đầu ngón tay, chờ nắng lên, mang vô… phòng phơi, qua tấm cửa kính chừng hai bữa cho heo héo rồi bỏ thẩu làm dưa món. Mua mớ mứt dừa, gừng, mứt dẻo, hột dưa, hột điều với mâm ngũ quả về chưng bàn thờ cho xôm tụ. 
 
Chúng tôi vẫn giữ thói quen cúng kiếng học từ ba má. Tất niên, năm mới cũng rước, tiễn ông bà. Năm nay tôi xin ở nhà mấy ngày Tết. Ghé chợ mua ít thịt thà rau củ, mâm ngũ quả gồm dưa hấu, chuối, quýt, táo hay bất cứ trái cây gì miễn đủ... năm loại, với chậu cúc vàng rồi cúc trắng, cúc tím, cúc xanh. Nhìn quẩn nhìn quanh nhà như vườn hoa cúc. 
 
Bữa cơm xứ người không có gì đặc sắc, toàn những món đạm bạc, quê mùa, mỗi năm chỉ ăn đúng một lần, nhưng nghe mùi là biết Tết. Chị tôi trổ tài làm thịt ba chỉ thưng là món tủ của nhà. Cắt miếng thịt ba chỉ làm đôi theo chiều dọc, ướp mắm, hành củ, tiêu, đường chừng một tiếng cho thấm để. Bắt chảo mỡ, phi tỏi thơm, cho thịt vào, kêu xèo xèo, mỡ văng tùm lum té bẹ. Lấy đũa trở mặt, đổ thêm nước dừa, để lửa thiệt nhỏ, thưng từ từ cho mỡ chảy ra, gia vị thấm sâu vào bên trong. Một tiếng sau, miếng thịt trong ngần, nước keo lại, thơm một góc nhà. Nhắc chảo xuống, để nguội, lấy dao xắt mỏng, sắp vô dĩa, múc nước thịt rưới lên vừa thơm vừa béo.
 
Khổ qua xào trứng là món thứ hai. Lấy dao hai lưỡi xắt mỏng, ngâm nước muối để giữ cho xanh. Đập trứng vịt vô chén, lấy đũa quậy nhẹ cho tan lòng đỏ, đừng quậy mạnh, trứng sẽ nổi bọt không ngon. Bắt chảo dầu, đổ khổ qua vô, canh vừa chín tới thì cầm chén trứng rải đều, vừa nhanh tay trộn để trứng không bị vón cục. Nêm kĩ càng, nhắc xuống, múc ra dĩa, rưới hành ngò và tiêu lên trên thơm lựng. Bún Tàu, nấm mèo cắt đôi, ngâm nước lạnh cho mềm, vớt ra bỏ vô chén. Bắt nước chờ sôi là đổ gan, mề, tim, cật gà đã tao sơ vô trước rồi nấm mèo và bún kế tiếp, nêm xong nhắc xuống liền chứ không bún rục. Bún tàu hút nước mau nở, nên canh phải nhiều nước và nấu sau cùng để cúng xong còn có cái mà húp thay vì một tô đặt quánh.
 
Tôi bới ba chén cơm, dọn đồ ăn lên bàn thắp nhang, thành tâm khấn mời ông bà, cô bác, bà con hai họ về ăn với gia đình bữa cơm, phù hộ độ trì cả nhà tai qua nạn khỏi, sức khỏe dồi dào, chuyện dữ đem đi chyện lành đem tới. 
 
Chiều xuống dần, mặt trời như quả cầu lửa rớt xuống hàng cây khô, lạnh đến não nùng. Những quầng mây cao thấp ánh lên màu đỏ rực cuối cùng, trước khi chìm sâu vào màn đêm hun hút thẳm sâu. Tôi bật nhạc, nghe văng vẳng tiếng Tam ca áo trắng rộn rã “Tết Tết Tết đến rồi. Tết đến trong tim mọi người” nghe rộn rã gì đâu. Chị bảo, năm sau cả nhà mình thu xếp về Ninh Hòa ăn Tết luôn nhen. Thiệt tình thèm quá. 
 
Nguyễn Hữu Tài