Thấp khớp cấp hay còn gọi là viêm khớp cấp do thấp, sốt thấp khớp, thấp tim - là một bệnh lý không thường gặp, nhưng có thể rất nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị theo đúng phương pháp.
Thấp khớp cấp hay còn gọi là viêm khớp cấp do thấp, sốt thấp khớp, thấp tim - là một bệnh lý không thường gặp, nhưng có thể rất nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị theo đúng phương pháp.
Vì sao mắc thấp khớp cấp?
Thấp khớp cấp là bệnh mắc phải sau nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (Streptococcus pyogenes) vùng hầu họng. Bệnh hay gặp ở trẻ em lứa tuổi học đường, đặc biệt từ 6-15 tuổi. Khi trẻ bị viêm họng, ngoài tình trạng viêm tại họng, vi khuẩn này không gây tổn thương tại chỗ mà thông qua một phản ứng miễn dịch, từ đó khởi phát các tổn thương ở khớp, tim, da, thần kinh...
Bệnh thấp khớp cấp thường gặp vào mùa đông xuân, khi thời tiết lạnh, ẩm, khí hậu thay đổi đột ngột. Bệnh có thể gây thành các vụ dịch nhỏ trong các lớp mẫu giáo, trường học... Ban đầu trẻ thường có biểu hiện viêm họng như sốt cao, mệt mỏi, đau rát họng, nuốt khó, ho khan hoặc có đờm. Khám thấy họng đỏ, amidan có thể sưng to, hạch góc hàm sưng to, đau. Viêm họng có thể tự khỏi hoặc nếu không được điều trị tích cực có thể gây biến chứng viêm phổi hoặc viêm tai giữa... Sau 2 đến 4 tuần kể từ khi bị viêm họng, ở một số trẻ (chứ không phải tất cả các trẻ bị viêm họng) có thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp cấp do thấp.
Thấp khớp cấp gây tổn thương nhiều bộ phận (khớp, tim, da, thần kinh...), trong đó tổn thương khớp rất phổ biến. Biểu hiện bệnh tại khớp thường là viêm nhiều khớp với đặc điểm: thường xảy ra đột ngột, hay gặp ở các khớp to vừa như khớp gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay. Ít gặp viêm các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân. ít khi gặp viêm một khớp đơn độc. Các khớp bị viêm sưng to, nóng, đỏ, đau, có thể có dịch nhưng không bao giờ bị hóa mủ. Khớp viêm thường không đối xứng, hay di chuyển từ khớp này sang khớp khác. Thời gian viêm một khớp thường từ 3-5 ngày. Viêm khớp có thể tự khỏi nhưng thường khỏi nhanh hơn khi dùng thuốc chống viêm. Trường hợp không điển hình khớp chỉ đau, không sưng, nóng, đỏ.
Trong khi biểu hiện ở khớp thường khỏi nhanh, khỏi hoàn toàn không để lại di chứng thì biểu hiện ở tim thường nặng nề và là biểu hiện nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân bị viêm các bộ phận của tim (cơ tim, màng trong hoặc màng ngoài tim) dẫn đến các bệnh lý tim do thấp, có thể gây suy tim cấp và mạn tính. Đặc biệt hay gặp các bệnh lý di chứng van tim do thấp như hẹp hở van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ... Ngoài các triệu chứng ở khớp, ở tim... trẻ còn có thể có các triệu chứng thần kinh như múa giật, liệt, hôn mê; hoặc các triệu chứng đau bụng, tiểu ra máu...
Điều trị bệnh thế nào?
Nếu viêm khớp đơn thuần thì người bệnh có tiên lượng tốt, khỏi hoàn toàn không để lại di chứng. Tình trạng viêm khớp có thể tự khỏi, nhưng khỏi nhanh hơn khi dùng thuốc chống viêm. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, tổn thương ở tim mới là hậu quả nguy hiểm nhất. Do đó, ở trẻ lứa tuổi học đường (thường từ 6-15 tuổi), nếu bị viêm họng nhiều lần có đau mỏi, sưng, nóng đỏ ở các khớp, mệt mỏi, tức ngực, khó thở hoặc hồi hộp, đau vùng tim, hoặc có những biểu hiện bất thường về tâm thần vận động, tay múa vờn không tự chủ thì cần phải cho trẻ đi khám để phát hiện và điều trị phòng bệnh thấp khớp cấp ngay. Việc phát hiện bệnh sớm, điều trị bệnh tốt có thể tránh các di chứng van tim sau này.
Biện pháp phòng bệnh
Mặc dù bệnh thấp khớp cấp rất nguy hiểm nhưng nếu có ý thức phòng bệnh tốt sẽ tránh được nhiều hậu quả đáng tiếc và giảm khả năng mắc bệnh đáng kể. Luôn giữ môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cơ thể và vùng mũi họng thường xuyên, sạch sẽ, giữ ấm cổ, ngực, mũi họng về mùa đông, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Nếu trẻ bị viêm họng, viêm amidan hoặc viêm xoang cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để điều trị triệt để. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bị viêm nhiễm đường hô hấp trên. Nếu theo dõi thấy trẻ có một trong những dấu hiệu của bệnh thấp khớp cấp như đã mô tả ở trên cần phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khám và tuân thủ chỉ định, trong đó có thể trẻ phải tiêm phòng tái phát thấp tim theo hướng dẫn. Việc tiêm phòng thấp tim ở trẻ đã bị thấp tim sau khi đã điều trị ổn định là rất cần thiết. Nếu không tiêm phòng, bệnh sẽ dễ dàng tái phát nhiều lần và để lại di chứng ngày càng nặng dẫn đến suy tim không hồi phục rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Theo Sức khỏe & Đời sống