Những ngày này, người dân các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đang tất bật chăm sóc hoa cúc để kịp cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19, người dân lo lắng hoa không bán được, ảnh hưởng đến thu nhập.
Những ngày này, người dân các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đang tất bật chăm sóc hoa cúc để kịp cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19, người dân lo lắng hoa không bán được, ảnh hưởng đến thu nhập.
Về các vùng trồng hoa cúc nổi tiếng trong tỉnh như: Ninh Giang, Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa); Cam Thành Bắc, Cam Đức (huyện Cam Lâm), chúng tôi bắt gặp hình ảnh người dân đang chăm chút cho vụ cúc Tết. So với mọi năm, năm nay thời tiết thuận lợi nên hoa phát triển rất tốt, cây đều, thân to, cứng đẹp. Thế nhưng, khác với sự hồ hởi chờ đợi một vụ mùa bội thu, người trồng hoa lại phập phồng lo lắng vì đến thời điểm này chưa có một thương lái nào đến đặt hàng.
Bà Huỳnh Thị Kim Châu - tổ dân phố Thanh Châu, phường Ninh Giang chia sẻ: “Gần 20 năm trồng hoa cúc nhưng chưa năm nào tôi lo lắng, đứng ngồi không yên như năm nay. Mọi năm, thời tiết mưa nhiều, cây không đẹp bằng năm nay nhưng vẫn bán được, giờ này các thương lái đã tới vườn đặt mua hết, ít nhất cũng lời được công chăm sóc. Thế nhưng năm nay, đến giờ này chưa một ai tới đặt mua. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu, công làm, phân bón, thuốc trừ sâu… đều tăng từ 5 đến 15%. Tính đến nay, chi phí đầu tư cho một chậu hoa cúc loại trung hơn 100.000 đồng, đến khi đưa ra thị trường chi phí lên khoảng 150.000 đồng”.
Cách đó không xa, vợ chồng ông Nguyễn Thành Vinh - tổ dân phố Phong Phú 2 cũng đang tất bật chăm sóc cây. “Đến thời điểm này, cây đã cao 70 - 80cm. Mọi năm, gia đình trồng hơn 1,2 nghìn chậu nhưng năm nay sợ dịch Covid-19 nên chỉ trồng hơn 700 chậu mà vẫn sợ không bán được. Hiện nay, chưa có thương lái nào tới đặt mua. Gia đình đã chủ động liên hệ đặt chỗ bán ở TP. Hồ Chí Minh nhưng do tình hình dịch bệnh nên họ vẫn chưa bố trí. Bao nhiêu vốn liếng gia đình đã đổ vào đây, nếu không bán được số hoa này sẽ rất khó khăn”, ông Vinh nói.
Theo ông Phan Sang - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang, hàng năm, trên địa bàn phường cung ứng hơn 150.000 chậu hoa cúc các loại cho thị trường Tết Nguyên đán, chủ yếu cúc đại đóa, pha lê… Năm nay, theo thống kê sơ bộ, toàn phường chỉ trồng khoảng 40.000 chậu, giảm hơn 2/3 so với mọi năm. Một số hộ giảm số lượng chậu, có hộ bỏ hẳn không trồng. Hoa cúc Ninh Giang không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà cả các tỉnh, thành như: Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bình Dương… Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các thương lái không dám đặt cọc trước, điều này khiến những người trồng hoa rất lo. Tuy nhiên, người dân vẫn chăm chút cho hoa với mong muốn cung cấp ra thị trường những chậu cúc đẹp nhất.
Tại huyện Cam Lâm, sản lượng hoa cúc năm nay cũng giảm mạnh, chỉ bằng 1/3 so với mọi năm. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn trồng cúc tại thị trấn Cam Đức, ông Lê Văn Đàn - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cam Đức cho biết, mọi năm, những khoảng đất này vào dịp cuối năm được người dân phủ kín các chậu hoa cúc. Năm nay, thay vì trồng cúc, một số hộ đã chuyển qua trồng các loại cây ngắn ngày vì lo sợ trồng cúc không có người mua, trong khi chăm sóc cực, chi phí đầu tư cao. Tính đến nay, trên địa bàn thị trấn trồng 7.000 chậu, giảm khoảng 15.000 chậu so với mọi năm. “Mấy chục năm trồng hoa nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi lo lắng như vậy. Lo không phải vì thời tiết, giá cả đầu tư mà vì sợ dịch Covid-19 không bán được. Hơn 2.000 chậu cúc của gia đình tôi nếu thương lái không thu mua thì bán lẻ không thể nào hết. Từ khi xuống giống, tôi vẫn biết năm nay khó bán, nhưng đã quen với việc trồng hoa Tết nên gia đình tôi chỉ giảm số chậu”, ông Hồ Văn Tấn - tổ dân phố 7, Giếng Trung, thị trấn Cam Đức nói.
Nhìn những gương mặt lo âu của người trồng hoa Tết, chúng tôi chỉ biết mong chờ, hy vọng tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt để những chậu hoa Tết bung sắc, thuận lợi cung ứng ra thị trường.
KHÁNH HÀ