Ngâm chân trong nước ấm 40-50 độ hoặc pha muối, gừng, ngải cứu hoặc các tinh dầu bạc hà, hoa cúc... giúp giảm lạnh tay chân.
Ngâm chân trong nước ấm 40-50 độ hoặc pha muối, gừng, ngải cứu hoặc các tinh dầu bạc hà, hoa cúc... giúp giảm lạnh tay chân.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Việt Nam, cho biết khi trời trở lạnh một số người cảm thấy toàn thân lạnh, đặc biệt là lạnh ở chân và tay. Tình trạng này trong Đông y gọi là "quyết chứng" (lạnh toàn thân), "chi quyết" (lạnh ở tay và chân).
Nguyên nhân có thể do cơ thể tiếp xúc quá lâu trong môi trường lạnh làm cho tay, chân trở nên lạnh cóng hay khí huyết lưu thông kém, chế độ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt, lượng hồng cầu trong máu hạ thấp. Trong một số trường hợp, tay lạnh và bàn chân lạnh có thể là nguyên nhân của các bệnh như huyết áp thấp, suy giáp, các bệnh về tim mạch...
Giữ ấm cơ thể bằng cách ngâm tay, chân trong nước ấm 40-50 độ, chỉ cần ngâm 15-20 phút, trước khi đi ngủ. Ngâm chân mỗi ngày như thế này vừa giúp khi huyết lưu thông vừa giúp tinh thần thoải mái, có một giấc ngon và sâu hơn. Khi ngâm, hai chân cọ xát xoa vào nhau thì hiệu quả càng tốt hơn.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng ngải cứu, gừng, muối hoặc hành tím để ngâm tay chân và giữ ấm cho cơ thể. Cụ thể:
Lấy khoảng 30-50 g ngải cứu tươi đun sôi với 1/2 nồi nước khoảng 10 phút. Sau đó pha thêm nước vào cho nhiệt độ giảm còn khoảng 40 độ thì cho thêm muối vào khuấy đều rồi ngâm tay chân 15-20 phút. Bài thuốc ngâm này có tác dụng trừ lạnh, tăng cường dương khí, không chỉ dùng cho người bị tay chân lạnh mà còn hỗ trợ chữa bệnh đường hô hấp rất tốt.
Hoặc, dùng 20-30 g gừng tươi đập dập rồi cho vào đun sôi trong 10 phút với 1/2 nồi nước, đậy nắp kín để tránh bay hơi một số chất trong gừng. Pha thêm nước lạnh và muối vào nước gừng để cho nhiệt độ còn khoảng 40 độ thì ngâm tay chân. Áp dụng mỗi buổi tối trước khi đi ngủ sẽ giúp máu huyết lưu thông tốt, từ đó giải trừ chứng tay chân lạnh hiệu quả.
Chân tay lạnh có kèm theo tiêu chảy, lấy gừng khô sao 4-8 g, tán nhỏ, pha với nước ấm uống hoặc cho vào cháo để ăn hoặc gừng khô nấu nước tắm hoặc ngâm tay cũng có thể giúp cơ thể và tứ chi ấm dần lên.
Bạn có thể thay ngải cứu và gừng bắng vỏ quế, hoa tiêu, vỏ cam quýt bưởi cũng cho hiệu quả cao. Lưu ý, chỉ ngâm nước đến dưới mắt cá chân, ngược lại có thể gây phản tác dụng. Áp dụng đều đặn vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, khi ngâm xong thì lau khô tay chân và giữ ấm bằng tất, tránh tiếp xúc với nước lạnh. Nếu chân lạnh nhiều, có thể dùng lót giày bằng vỏ gỗ quế để làm ấm và kích thích các huyệt ở bàn chân.
Thường xuyên, massage lòng bàn tay lòng bàn chân để tuần hoàn máu ở vùng này được tăng cường, giúp tay chân ấm nóng. Giữ ấm khi ra ngoài bằng tất, đội kín mũi, giày cao cổ. Nên sử dụng chất liệu cotton, len, tạo cảm giác dễ chịu, hấp thụ mồ hôi tốt.
Hạn chế mặc đồ quá bó sát, cản trở vận động, làm cản trở quá trình lưu thông của mạch máu. Tập luyện thể thao nhẹ nhàng, không tập sáng sớm hay tập quá sức. Bổ sung thực phẩm giàu calo, vitamin để tái tạo năng lượng. Uống đủ nước, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày.
Vào mùa đông chỉ nên tắm bằng nước ấm. Tốt hơn có thể cho thêm các loại tinh dầu thiên nhiên vào nước tắm như tinh dầu gừng, bạc hà, hoa quế, hoa oải hương... để thúc đẩy lưu thông máu, giữ ấm cho cơ thể.
Theo VnExpress