Nhiều năm nay, hễ có mưa lớn, chợ Vĩnh Thọ hay còn gọi là chợ Bàu (thuộc phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang) lại ngập nước. Điều này khiến hàng trăm hộ tiểu thương ở chợ luôn lo lắng, phập phồng mỗi khi vào mùa mưa bão.
Nhiều năm nay, hễ có mưa lớn, chợ Vĩnh Thọ hay còn gọi là chợ Bàu (thuộc phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang) lại ngập nước. Điều này khiến hàng trăm hộ tiểu thương ở chợ luôn lo lắng, phập phồng mỗi khi vào mùa mưa bão.
Bà Kiều My kinh doanh mặt hàng quần áo trong chợ cho hay: “Cứ mỗi khi trời mưa là chợ ngập. Chỉ cần mưa nhỏ khoảng 10 - 15 phút, đường vào chợ đã lênh láng nước. Nếu mưa lớn và lâu hơn thì nước dâng cao, tràn vào các ki-ốt gây hư hỏng các loại hàng hóa”. Theo bà My, vào đầu mùa mưa, các hộ kinh doanh trong chợ đều phải lo đi kiếm thùng, ván gỗ… để kê, gác để bảo vệ hàng hóa. Trường hợp trời mưa vào ban ngày, các tiểu thương có thể chủ động di dời các loại hàng hóa đến nơi khô ráo, nhưng nếu mưa to vào ban đêm, khi chợ đóng cửa thì tất cả hàng hóa để bên trong sẽ thiệt hại nặng. Mùa mưa lũ năm 2018, dù đã chủ động đưa hàng hóa lên cao nhưng đợt ấy nước quá lớn, tràn vào bên trong nền các ki-ốt khiến bà My và nhiều tiểu thương bị thiệt hại không ít.
Bà Hà, chủ ki-ốt sửa chữa quần áo trong chợ cho biết: “Mùa mưa đến, hầu hết các tiểu thương trong chợ đều nghỉ buôn bán bởi đường vào chợ lúc nào cũng ngập hơn nửa bánh xe”. Theo nhiều người dân địa phương, chợ Bàu vốn nằm ở vùng trũng dưới chân Tháp Bà Ponagar và đồi La San (dốc Trường Đại học Nha Trang). Vì thế, mỗi khi trời mưa, nước tại các khu vực này theo hướng đường 2-4 đổ dồn về chợ. Trong khi đó, hệ thống cống thoát nước chợ nhỏ, lượng nước đổ dồn về lớn không thoát kịp thường gây tình trạng ngập cục bộ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương và sinh hoạt của người dân xung quanh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Khoa - Quyền Chủ tịch UBND phường Vĩnh Thọ thừa nhận, tình trạng chợ ngập vào mùa mưa được người dân địa phương phản ánh rất nhiều trong các cuộc tiếp xúc cử tri, thế nhưng để khắc phục, phường đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Từ năm 2017, Luật Quản lý tài sản công có hiệu lực nên địa phương triển khai lập đề án khai thác, kinh doanh chợ theo quy định mới. Hiện đang chờ hướng dẫn của cấp trên.
Theo tìm hiểu, hiện chợ Bàu có 278 hộ kinh doanh (trong đó có 30 hộ kinh doanh bên ngoài chợ) các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân địa phương và các phường lân cận. Về hiện trạng, nền chợ so với mặt đường hiện được nâng cao khoảng 30cm; bên trong các ki-ốt, mặt nền cũng được nâng cao từ 20 - 30cm, thế nhưng mùa mưa, tại các lô sạp nước vẫn cứ tràn vào. Bên cạnh ngập cục bộ do mưa lớn, hiện cơ sở hạ tầng chợ đã xuống cấp. Chợ xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2004, đến nay các hạng mục như: mái tôn, hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, nhà vệ sinh… đều đã hư hỏng. Thế nhưng, lâu nay chợ chỉ được sửa chữa nhỏ như thay bóng đèn, đường dây điện… chứ chưa được đầu tư lớn để nâng cấp tu bổ. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương.
“Trước đây, chợ rất đông đúc, khách đến chợ không chỉ có người dân địa phương mà còn có khách du lịch tham quan Tháp Bà đến mua sắm. Vài năm trở lại đây, do cơ sở hạ tầng chợ ngày càng xuống cấp, lại thường xuyên ngập nước nên lượng khách giảm nhiều. Hiện chợ chỉ hoạt động vào buổi sáng, buổi chiều hầu hết các tiểu thương đều đóng cửa nghỉ vì không có khách. Do vậy, chúng tôi rất mong chính quyền địa phương, tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp chợ khang trang hơn để tạo điều kiện cho người dân an tâm mua, bán”, một tiểu thương ở chợ cho biết.
An Nhiên