09:10, 18/10/2020

Xử lý chứng đầy hơi khó tiêu ở trẻ

Hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện còn non yếu nên rất dễ bị các vi khuẩn "tấn công" gây ra các triệu chứng đau bụng, đầy hơi khó tiêu, kém hấp thu… sẽ cản trở quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
 

Hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện còn non yếu nên rất dễ bị các vi khuẩn “tấn công” gây ra các triệu chứng đau bụng, đầy hơi khó tiêu, kém hấp thu… sẽ cản trở quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
 
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Tác nhân gây đầy bụng khó tiêu hóa ở bé
 
Khi mắc bệnh về đường tiêu hóa, trẻ sẽ có những biểu hiện thường gặp như ợ hơi, đau bụng âm ỉ, thở nặng nhọc, ăn không ngon miệng, chán ăn, khó tiêu hóa, đầy bụng, tiêu chảy hoặc táo bón. Vì khó chịu trong người nên trẻ sẽ quấy khóc, có thể sốt, môi khô.
 
Những lúc này, mẹ đừng rối, hãy xem một số nguyên nhân sau để có thể tìm ra biện pháp trị chướng bụng đầy hơi hiệu quả và an toàn cho bé.
 
Chế độ ăn của mẹ: Nếu trẻ sơ sinh bú mẹ có dấu hiệu khó tiêu thì mẹ cần xem lại chế độ ăn của mình. Có thể mẹ đã ăn thực phẩm có tính hàn cao, các loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá thu lớn, cá kình, cá kiếm.., đồ ăn bị ôi thiu, chưa chín hoặc nguội lạnh. Khẩu phần ăn của mẹ liên quan chặt chẽ tới sức khỏe và khả năng phát triển thể chất và trí tuệ của con nên mẹ cần chú ý ăn đủ chất xơ, vitamin, khoáng chất để bé phát triển toàn diện và tránh được táo bón cho mẹ và bé.
 
Loạn khuẩn đường ruột: Hệ vi sinh đường ruột ở trạng thái cân bằng chứa 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn. Nếu tỉ lệ này bị xáo trộn thì gọi là loạn khuẩn đường ruột. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do trẻ phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh lý khác, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hệ miễn dịch kém đi,  khiến trẻ bị đau bụng, khó tiêu, mệt mỏi, chán ăn.
 
Chế độ dinh dưỡng không phù hợp: Trẻ ăn nhiều chất đạm, dầu mỡ, ít chất xơ, uống ít nước sẽ khiến giảm bài tiết tiêu hóa, thức ăn không được chuyển hóa hết, lên men tạo khí gây nên hiện tượng đầy chướng bụng, nôn trớ, khó tiêu. Việc này thường xảy ra khi trẻ dùng các thực phẩm chứa lactose, chủ yếu là sữa.
 
Rối loạn tiêu hóa: Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa gồm tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, đầy hơi, biếng ăn, trào ngược dạ dày, hơi bị tống ra ngược chiều so với bình thường thì khả năng cao là bụng bé sẽ ậm ạch, chướng tròn, ợ hơi, nôn ói.
 
Giải quyết nỗi lo đầy bụng khó tiêu ở trẻ
 
Vì hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu nên thỉnh thoảng vẫn bị chướng bụng đầy hơi, sẽ tự khỏi được. Nhưng nếu tình trạng đầy bụng khó tiêu kéo dài trẻ sẽ thấy mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Cha mẹ có thể làm một số cách chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà đơn giản dưới đây.
 
Thay đổi thực đơn
 
Dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường rau xanh, các vitamin tự nhiên, tránh các thực phẩm tính hàn, thực phẩm chứa kim loại nặng, thực phẩm cay nóng,… Tránh để bé uống nước ngọt, đồ có ga nhiều sẽ sinh ra lượng khí thừa khiến bụng sình lên, ấm ách.
 
Chia nhỏ bữa ăn
 
Thay vì ăn một bữa thật nhiều, mẹ nên chia nhỏ bữa ăn để bé tiêu hóa được tốt nhất, tránh tình trạng thức ăn không kịp tiêu hóa gây đầy bụng và không hấp thu hết dưỡng chất từ đồ ăn.
 
Cho bé uống đủ nước
 
Với trẻ nhỏ, mẹ chủ động cho bé uống đủ nước mỗi ngày. Những trẻ lớn hơn thì mẹ nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên vừa thanh lọc cơ thể lại giúp bụng nhẹ nhõm, tiêu hóa tốt hơn.
 
Cho bé ợ thường xuyên
 
Trong quá trình bú mẹ hoặc bú bình, bé đều nuốt phải một lượng không khí thừa. Mẹ cần giúp bé ợ để đầy khí thừa ra ngoài bằng cách cho bé ngồi tựa bụng vào cánh tay mẹ hoặc để bé nằm sấp trên đùi.
 
Mat-xa bụng cho bé và làm động tác đạp xe
 
Đây cũng là phương pháp giúp ruột trẻ đào thải khí thừa, làm bé dễ chịu hơn. Mẹ cầm hai chân bé di chuyển nhẹ nhàng như động tác đạp xe đạp.
 
Bổ sung men vi sinh hoặc thuốc chống đầy hơi
 
Mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn men tiêu hóa thích hợp hoặc sản phẩm đẩy lùi đầy bụng, khó tiêu hiệu quả cho bé.
 
Theo Sức khỏe & Đời sống