10:10, 16/10/2020

Từng bước di dời lưới điện nông thôn

Hiện nay, hàng nghìn trụ điện vẫn đang nằm trong đất của người dân. Di dời các công trình này là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc di dời không đơn giản.

Hiện nay, hàng nghìn trụ điện vẫn đang nằm trong đất của người dân. Di dời các công trình này là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc di dời không đơn giản.


Số lượng di dời lớn


Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (KHPC), hiện nay, khu vực nông thôn trong tỉnh có 3.530 cột điện trung áp và hạ áp cần phải di dời. Về đường dây, tổng chiều dài đơn tuyến dây trung áp và hạ áp phải di dời gần 157.000m. Ngoài ra, 9.816 công tơ điện, 63 trạm biến áp 1 pha và 3 pha cũng thuộc diện phải di dời. Tổng chi phí để di dời trụ điện, đường dây, trạm biến áp, công tơ điện nêu trên hơn 131 tỷ đồng. Tại các địa phương, các trụ điện nằm trong phần đất của người dân nhiều nhất ở thị xã Ninh Hòa (1.231 trụ), huyện Vạn Ninh (848 trụ), TP. Nha Trang (732 trụ)… Trong các đợt tiếp xúc cử tri ở các địa phương, nhiều cử tri đều bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm di dời trụ điện ra khỏi phần đất của người dân. Bởi khi các công trình này nằm trong phần đất, vườn tược sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, thậm chí là an toàn của người dân.

 

Trụ điện án ngữ trong phần đất của người dân  ở thôn Vân Thạch, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa.

Trụ điện án ngữ trong phần đất của người dân ở thôn Vân Thạch, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa.


Để thực hiện việc di dời lưới điện nông thôn đi qua phần đất của người dân, KHPC đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là di dời toàn bộ lưới điện nông thôn hiện nay. Phương án này có ưu điểm là lập dự án tổng thể, phê duyệt và bố trí vốn 1 lần. Tuy nhiên, khó khăn là dự toán nhiều khả năng sẽ cao hơn con số 131 tỷ đồng, việc bố trí một lúc số vốn hàng trăm tỷ đồng là một thách thức. Ngoài ra, việc gặp phải các vướng mắc nêu trên ở từng khu vực khác nhau sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án trên toàn tỉnh.


Đối với phương án 2, đó là xem xét từng khu vực, từng đường dây để tập trung giải quyết cho từng trường hợp hộ dân, từng địa phương cụ thể. Phương án này sẽ giúp kéo giãn số vốn bố trí hàng năm. Thực tế hàng năm, KHPC đều bố trí một phần kinh phí cho việc di dời lưới điện ra khỏi đất đai của người dân. Chưa kể việc lập phương án đối với từng hộ, khu vực sẽ dễ dàng, mất ít thời gian hơn so với phương án chung toàn tỉnh. Tính khả thi của phương án 2 vì thế cũng cao hơn.


Di dời từng bước


Theo lãnh đạo KHPC, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Công Thương, đơn vị đã thống kê chi tiết khối lượng và khái toán đầu tư đối với việc di dời lưới điện nông thôn đi qua phần đất của người dân trên toàn tỉnh. Quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn. Chẳng hạn, nhiều khu vực nông thôn chưa có quy hoạch rõ ràng, hoặc quy hoạch giao thông đã có nhưng chưa triển khai nên sẽ không thể quy hoạch lưới điện đi theo con đường đó. Trong các trường hợp khác, một số thôn, xã tuy có quy hoạch được duyệt nhưng lại chưa bố trí quỹ đất để thực hiện việc di dời lưới điện nông thôn. Ngoài ra, đối với không gian, địa điểm cần di dời, nhiều khu vực hẻm quá nhỏ, lại không có quy hoạch mở rộng, do đó không đủ quỹ đất để có thể trồng được trụ điện, các trụ điện khu vực này buộc phải nằm trong phần đất của người dân. Vì vậy, phương án 2, di dời lưới điện từng bước có tính khả thi cao hơn so với phương án di dời toàn bộ cùng một lúc.


Lãnh đạo KHPC cũng cho biết, nguồn vốn đầu tư xây dựng của công ty hàng năm có hạn và phải phân bổ trên toàn tỉnh để đáp ứng các mục tiêu kinh tế - an sinh xã hội, an ninh quốc phòng… Vì vậy, đơn vị mong muốn UBND tỉnh xem xét, bố trí vốn ngân sách cho các địa phương để thực hiện di dời lưới điện. Trong trường hợp KHPC vay vốn để di dời lưới điện, đề nghị tỉnh có giải pháp hỗ trợ công ty tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi và bù lãi suất vay. KHPC cũng kiến nghị các sở, ngành liên quan và các địa phương bổ sung quỹ đất và bố trí kế hoạch vốn để di dời lưới điện nông thôn cho phù hợp.


Liên quan vấn đề này, cuối tháng 9 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, KHPC đã chuyển phương án di dời lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh cho Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố để nghiên cứu, tham mưu, báo cáo tỉnh xem xét, quyết định. UBND tỉnh cũng giao Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất ý kiến tham mưu bố trí nguồn vốn ngân sách cho các địa phương để thực hiện di dời lưới điện; xem xét chính sách hỗ trợ KHPC tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và bù lãi suất trong trường hợp KHPC vay vốn để di dời lưới điện, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20-10. UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, đề xuất ý kiến tham mưu việc xem xét cụ thể từng trường hợp kiến nghị của người dân về di dời lưới điện ra khỏi đất, vườn, nhà và đưa vào quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới hàng năm, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn đầu tư theo phân kỳ trong 19 tiêu chí nông thôn mới, hoàn thành báo cáo tỉnh trước ngày 20-10. Sở Công Thương tiếp tục đôn đốc Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố và KHPC khẩn trương thực hiện các nội dung trên, tổng hợp, đề xuất ý kiến tham mưu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-10.


Hồng Đăng