Đó là một trong những khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm nay, đồng thời cũng là thông điệp nhắc nhở mỗi gia đình, nhà trường và xã hội hãy quan tâm đến trẻ em trong dịp hè để các em có mùa hè vui tươi, an toàn.
Đó là một trong những khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm nay, đồng thời cũng là thông điệp nhắc nhở mỗi gia đình, nhà trường và xã hội hãy quan tâm đến trẻ em trong dịp hè để các em có mùa hè vui tươi, an toàn.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2019, toàn tỉnh có 40 trẻ tử vong do tai nạn thương tích; trong đó có 17 vụ đuối nước làm 26 trẻ tử vong (3 em bị đuối nước tại nhà và 23 em đuối nước tại cộng đồng). Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm 2020, Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng công tác phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em.
Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, hàng năm, 100% huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn viên và nghiệp vụ bơi cứu hộ môn bơi, lặn cho hơn 200 cán bộ, giáo viên trong tỉnh. Đây là nguồn nhân lực chủ yếu để triển khai Đề án thí điểm dạy bơi, phòng, chống đuối nước cho học sinh tiểu học, THCS trong nhà trường giai đoạn 2017 - 2020.
Mới đây nhất, trong tháng 6, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích tại các điểm trường trên địa bàn toàn tỉnh. Em Nguyễn Hoài Ý Phương - học sinh Trường THCS Mê Linh (huyện Vạn Ninh) chia sẻ: “Tham gia buổi tập huấn, em thấy đây là hoạt động ngoại khóa rất bổ ích, giúp em và các bạn có thêm kiến thức về phòng, tránh tai nạn thương tích nói chung, tai nạn đuối nước cho bản thân cũng như giúp người khác khi bị đuối nước nói riêng”.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, dịp hè này, sở tiếp tục triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình dạy bơi và kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ ở các địa phương như: Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh. Bên cạnh đó, các địa phương như: Nha Trang, Cam Lâm duy trì tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em, trong đó miễn học phí đối với các em thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, khuyến khích các trường tăng cường tổ chức dạy bơi cho học sinh; phối hợp với các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, các lớp học bơi, học kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước; kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt... nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh.
Hiện nay, việc trang bị kỹ năng bơi và thoát hiểm dưới nước cũng được nhiều gia đình hướng đến cho các con, nhất là trong dịp nghỉ hè. Tham gia lớp học, các em sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về môn bơi; thực hành bơi dưới nước; kỹ năng sơ cấp cứu và kiến thức an toàn dưới nước; cách xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm dưới nước, khi gặp người đuối nước... Anh Trần Quang Huy có con đang theo học tại Trường THCS Thái Nguyên cho biết: “Những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp phản ánh về tình trạng đuối nước ở trẻ em. Do vậy, tôi và các bậc cha mẹ học sinh khác rất đồng tình với việc nhà trường trang bị những kiến thức về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ để trẻ rèn luyện thêm kỹ năng sống”.
Theo ông Tân, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Ngoài sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường cần nâng cao trách nhiệm, nhận thức trong việc quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ, thường xuyên nhắc nhở trẻ không được tự ý đến những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước để tránh xảy ra những sự việc đau lòng.
THANH TRÚC