10:06, 23/06/2020

Đừng để trẻ "nghiện" công nghệ số

Sự tiện lợi của các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng... đã tạo cơ hội để mọi người tiếp cận với thế giới thông tin rộng lớn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng trẻ em "nghiện" công nghệ số ngày càng gia tăng.

Sự tiện lợi của các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng... đã tạo cơ hội để mọi người tiếp cận với thế giới thông tin rộng lớn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng trẻ em “nghiện” công nghệ số ngày càng gia tăng.


Khi trẻ được “thả nổi” với Internet


Chị Nguyễn Thị H., trú phường Vĩnh Hải,  TP. Nha Trang có con trai 8 tuổi bị “nghiện” xem điện thoại đến mức bé xuất hiện những biểu hiện, hành vi không bình thường. Chị H. kể: Thời gian gần đây, cháu xem điện thoại quên ăn, quên ngủ; thường la hét với vợ chồng tôi khi nhu cầu xem điện thoại, máy tính không được đáp ứng; thường xuyên mất tập trung khi ngồi học và thích chơi những trò chơi, nói chuyện về những nhân vật hoạt hình hàng ngày bé được xem trên mạng Internet.


Mặc dù nhận ra những biểu hiện của con, nhưng người mẹ tặc lưỡi “thời buổi này đứa trẻ con nào chẳng ham điện thoại”. Có lẽ, sự việc sẽ chưa dừng lại nếu một buổi tối thức giấc và nhìn khắp phòng chẳng thấy con đâu, chị H. mới chạy khắp nhà tìm con trong sự hoảng hốt. Và, đến khi nhìn đứa con trai đang cầm chiếc điện thoại trong tay ngồi co ro ở góc cầu thang xem phim hoạt hình, toàn thân dày những nốt muỗi chích chị mới thức tỉnh và hối hận vì đã không can thiệp vào chuyện này sớm hơn.


Chị H. cho biết, chị cho con tiếp xúc với điện thoại từ khi bé chưa đầy 2 tuổi. Ngày đó, mỗi lần cho bé ăn, chị thường đưa cho bé chiếc điện thoại đã mở sẵn những clip quảng cáo, mỗi lần như vậy, bé ăn ngoan hơn. Sau đó, bé quen dần, hôm nào không được xem điện thoại, nhất định bé không ăn, chị H. đành phải chiều con. Rồi mỗi khi bận công việc, chị lại đưa cho bé chiếc điện thoại để không bị làm phiền. Hoặc khi cần thời gian nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và nghỉ ngơi, chị lại tiếp tục đưa điện thoại cho con. Hiện tại, lực học của con chị H. luôn ở tốp cuối của lớp và không thích ra ngoài đi chơi, phản ứng chậm trong mọi tình huống. Trường hợp này gần như là điển hình ở các trẻ được cha mẹ “thả nổi” với các thiết bị điện tử thông minh.

 

Ảnh: Sportskeeda.
Ảnh: Sportskeeda.


Internet không phải là tất cả


Trên thực tế, rất nhiều trường hợp như gia đình chị H. và đa số các bậc phụ huynh đều nhận thức được tác hại, hậu quả của việc cho con tiếp xúc với công nghệ số quá sớm cũng như việc “thả nổi” con cho mạng Internet, thế nhưng vẫn chưa thực sự nghiêm túc nhìn thẳng vào vấn đề và có hướng can thiệp hợp lý để “cứu” lấy tuổi thơ của con trẻ. “Lý do mà các bậc cha mẹ này đưa ra là do công việc quá bận, không có thời gian gần gũi con nên đành phải để con sử dụng mạng Internet, tham gia mạng xã hội và chơi game. Còn nhiều người khác lại cho rằng, việc không có thời gian lẫn kỹ năng sử dụng Internet và mạng xã hội đã khiến việc kiểm soát con em trở nên thất bại”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh - Tổ trưởng bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Khánh Hòa nói.


Theo Thạc sĩ Vân Anh, cha mẹ cần định hướng cho con tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích, để trẻ có cơ hội giao tiếp, trải nghiệm, qua đó hoàn thiện các kỹ năng; gần gũi với con cái sẽ tạo không khí gia đình ấm áp, con trẻ không còn cảm giác cô đơn để tìm đến mạng xã hội như một cách để tìm kiếm các mối quan hệ hay giải trí thiếu lành mạnh. “Gia đình tôi có 2 cháu đều đang học Trường Ischool Nha Trang. Ngay từ khi con còn nhỏ, vợ chồng tôi đã cho con trải nghiệm tất cả các môn ngoại khóa như: Vẽ, nhạc, đàn, múa, hát… Thông qua đó, giúp chúng tôi có thể nhìn ra con mình đam mê bộ môn nào để có sự đầu tư. Mặt khác, đây cũng là phương pháp để các bé hạn chế chơi điện thoại”, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) chia sẻ.


Bác sĩ Đặng Duy Thanh - Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần tỉnh cho biết, việc trải qua nhiều giờ liên tục sử dụng máy tính, ipad, điện thoại hay tivi sẽ làm ảnh hưởng đến não và làm rối loạn nhận thức, vận động, rối loạn khả năng chú ý, ảnh hưởng chất lượng học tập của trẻ... Về lâu dài, trẻ sẽ bị “nghiện” công nghệ số, xuất hiện triệu chứng rối loạn như: Mất ngủ kéo dài, ăn uống kém, lười biếng trong sinh hoạt, học tập, ngại tiếp xúc, dễ cáu gắt... rất khó điều trị. “Để tránh tình trạng trẻ em “nghiện” công nghệ số, các bậc cha mẹ cần nâng cao nhận thức, kỹ năng tiếp xúc, nuôi dạy con cái theo phương pháp đúng đắn; đồng thời tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động thể chất lành mạnh, giúp trẻ có được trải nghiệm tuổi thơ bổ ích...”, bác sĩ Thanh chia sẻ.


THANH TRÚC