12:05, 14/05/2020

Hoa gạo và công dụng ít được biết đến

Mùa hoa gạo gắn liền với tháng ba. Hoa gạo không chỉ là loài hoa đẹp mà còn có công dụng chữa bệnh ít người biết.

Mùa hoa gạo gắn liền với tháng ba. Hoa gạo không chỉ là loài hoa đẹp mà còn có công dụng chữa bệnh ít người biết.

Vào mỗi dịp tháng 3, tháng 4 trên những nẻo đường rất dễ bắt gặp màu đỏ của cây hoa gạo, nhiều nhất là ở vùng nông thôn dù đồng bằng và miền núi.

Loài hoa này còn có những cái tên thật mỹ miều như hoa pơ lang, hoa mộc miên, ban chi hoa….

Hoa gạo không chỉ là một loài hoa đẹp với sắc đỏ thắm mà còn rất tốt cho sức khỏe, được biết đến như một vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Hoa gạo chứa nhiều acid amin, pectin tanin, đường và nhiều nguyên tố vi lượng. Theo Đông y, nhiều bộ phận của cây hoa gạo được sử dụng làm thuốc như hoa gạo, vỏ cây, rễ.

 

Hoa gạo không chỉ đẹp mà còn như một vị thuốc
Hoa gạo không chỉ đẹp mà còn như một vị thuốc


Hoa gạo có vị đắng chát, hơi ngọt, tính mát, tác dụng làm se, tiêu viêm, giải độc, sát khuẩn, thông huyết nên đã trở thành dược liệu sử dụng nhiều trong trị liệu. Dân gian vẫn thường hái những bông hoa gạo lành lặn đem phơi trong dâm hoặc sấy khô bằng lửa nhỏ cất vào lọ sành, đậy kín để dùng dần.

Một số bài thuốc dùng hoa gạo như:

+ Viêm loét dạ dày: Có thể lấy rễ, hoa hoặc vỏ thân cây gạo 15-30g, sắc uống.

+ Trẻ bị sốt cao vào mùa hè: Dùng bài thuốc sắc từ 6g hoa gạo chế thêm chút đường phèn, chia uống vài lần trong ngày khá hiệu quả.

+ Khi bị ho khạc nhiều đờm do phế nhiệt: lấy 15 g hoa gạo, rau diếp cá 15 g, tang bạch bì 10 g, sắc uống.

+ Mun nhọt sưng tấy: lấy hoa gạo tươi, giã nát đắp ngày 1 - 2 lần sẽ đỡ đau nhức, chóng khỏi. Chữa tiêu chảy, kiết lị: dùng 20 - 30 g hoa gạo thái mỏng, sao vàng, sắc lấy nước uống, ngày 1 thang, chia 2 lần.

Theo BS Đông y Hoàng Khánh Toàn, vỏ cây hoa gạo cũng là loại thuốc quý. Vỏ thân cây hoa gạo có vị cay, tính bình thường dùng để chữa các chứng bệnh như chấn thương bong gân, gãy xương, viêm loét dạ dày, tiêu chảy, viêm đau khớp...

+ Bong gân: lấy 16g vỏ cây gạo, 16g lá lốt. Vỏ gạo cạo sạch lớp vỏ ngoài rồi sao với rượu, lá lốt sao vàng. Đổ 750ml nước sắc còn 250ml, chia uống 2 lần trong ngày. Hoặc vỏ thân cây gạo, rau má, cây vòi voi, bồ công anh, tất cả đều tươi với lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nát, đắp bó vào chỗ bong gân.

+ Viêm khớp, đau lưng, đau gối mạn tính: vỏ thân cây gạo 15g, sắc lấy nước bỏ bã, cho thêm chút rượu vang, uống làm 2 lần trong ngày.

+ Sưng nề do chấn thương: Vỏ thân hoặc rễ cây gạo ngâm rượu xoa ngoài hoặc giã nát đắp vào vị trí tổn thương. Hoặc: Vỏ thân cây gạo 100 g, củ nghệ vàng già 100 g. Vỏ gạo cạo bỏ vỏ bẩn ở ngoài, băm nhỏ, giã nát với nghệ thái mỏng, dùng dấm thanh và rượu cho vào sao rồi chườm hoặc đắp vào vết thương khi còn nóng.

Mặc dù việc sử dụng hoa gạo cũng như các bộ phận khác của hoa gạo làm thuốc là rất tốt nhưng các chuyên gia đông y khuyến cáo, trước khi sử dụng mọi người cũng nên có tư vấn của các bác sỹ để có liều lượng phù hợp với thể trạng, tận dụng được hiệu quả tốt nhất giá trị của loài hoa này.

Theo Gia đình & Xã hội