11:02, 18/02/2020

Trông con mùa dịch

Trông con mùa dịch Covid-19 đã thành chuyện thời sự của các bậc cha mẹ hiện nay. Nhiều giải pháp được linh động thực hiện nhằm giúp các gia đình cân bằng việc đi làm và chăm sóc con, các nhà trường duy trì ý thức học tập cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ học.

Trông con mùa dịch Covid-19 đã thành chuyện thời sự của các bậc cha mẹ hiện nay. Nhiều giải pháp được linh động thực hiện nhằm giúp các gia đình cân bằng việc đi làm và chăm sóc con, các nhà trường duy trì ý thức học tập cho học sinh (HS) trong thời gian tạm nghỉ học.


Gia đình lên lịch sinh hoạt mới


Nghe nhà trường thông báo tiếp tục cho HS nghỉ học đến hết tháng 2 để phòng ngừa dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Hương (phường Phước Long, Nha Trang) khá lo lắng. Con trai lớn của chị đã học lớp 8, tự chăm lo tốt cho bản thân, nhưng con gái út học lớp 3 đang điều trị bệnh thận, phải tuân thủ chế độ ăn uống, thuốc men. Từ khi tạm nghỉ học, lịch sinh hoạt có phần xáo trộn. Vì vậy, chị Hương quyết định xây dựng lịch hoạt động mới cho con. Hai con được dậy muộn hơn giờ đi học, nhưng sau đó phải thực hiện danh sách các công việc mẹ phân công, tùy theo sức từng người. Ai hoàn thành tốt sẽ được mẹ thưởng sách, truyện, chơi trò chơi trong thời gian nhất định.

 

Hàng ngày, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (phường Phước Tiến, TP. Nha Trang)  đều dành thời gian dạy con tập vẽ.Hàng ngày, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (phườnHàng ngày, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (phường Phước Tiến, TP. Nha Trang)  đều dành thời gian dạy con tập vẽ.g Phước Tiến, TP. Nha Trang)  đều dành thời gian dạy con tập vẽ.

Hàng ngày, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) đều dành thời gian dạy con tập vẽ.


Anh Đặng Văn Tân (phường Phước Hải, Nha Trang) thì tạm gửi 2 con gái, một bé lớp 2, một bé mầm non 5 tuổi về Bình Định cho bà ngoại trông. Tối tối, vợ anh đều gọi điện thoại qua zalo kiểm tra việc ôn bài của con gái lớn. Có phụ huynh lại giao con làm bài luận, đọc sách và cùng thảo luận về các vấn đề trong sách, cùng làm đồ chơi với bạn..., tạo điều kiện cho con có cơ hội khám phá thế giới, rèn luyện kỹ năng mềm. Có phụ huynh nghỉ phép ở nhà trông con. Chị Nguyễn Tuyết Vân (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Tôi xin nghỉ 12 ngày phép, thêm thứ Bảy, Chủ nhật cũng được tới 16 ngày nghỉ. Trông con mình, tôi cũng trông giúp luôn con mấy chị hàng xóm, mấy đứa nhỏ có bạn chơi, càng vui. Hết phép, tôi sẽ sắp xếp, gửi con nhờ nhà vài người quen. Tuy vất vả nhưng tôi vẫn ủng hộ việc cho HS nghỉ học để đảm bảo sức khỏe, tránh dịch bệnh”.


Ứng dụng công nghệ thông tin


Bên cạnh việc vệ sinh toàn trường để đảm bảo môi trường học tập khi HS quay trở lại học, một số trường đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin để giúp HS ôn tập, củng cố kiến thức. Cô Phùng Thị Tuyển - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Lam Sơn (Nha Trang) cho biết, nhà trường thường xuyên gửi tin nhắn qua VnEdu (Mạng giáo dục Việt Nam) nhắc nhở phụ huynh và HS phòng, chống dịch Covid-19. Trường cũng bước đầu triển khai tập huấn dạy học trực tuyến cho HS trong thời gian nghỉ học.


Cô Lê Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Đồng (Nha Trang) cho biết, trong thời gian này, các cô giáo đều gửi bài tập qua zalo cho HS làm, sau đó phụ huynh chụp lại bài làm gửi cô chấm. Việc này được hầu hết phụ huynh phối hợp, ủng hộ. Nhà trường cũng thường xuyên gửi các thông báo, khuyến cáo chủ động phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng tới phụ huynh; yêu cầu giáo viên phối hợp chặt chẽ với gia đình để theo dõi sức khỏe trẻ. Đồng thời, gửi bảng thông tin y tế cho phụ huynh, thường xuyên nhắc nhở phụ huynh trang bị cho con cách tự bảo vệ sức khỏe khi tiếp xúc với mọi người.


Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong thời gian tạm nghỉ học, sở đã đề nghị các phụ huynh tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại gia đình và cộng đồng theo các nội dung đã được ngành Giáo dục, Y tế hướng dẫn. Lãnh đạo các trường cũng có phương án duy trì liên lạc thường xuyên giữa nhà trường với gia đình, giữa giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm với HS. Nhiều trường đã chỉ đạo tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn biên soạn nội dung ôn tập, giao nhiệm vụ học tập, hướng dẫn HS tự học và trao đổi, sửa chữa kết quả tự học của HS qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với thực tế của địa phương và đơn vị như: SMAS (hệ thống quản lý nhà trường), VnEdu, zalo, facebook… VNPT Khánh Hòa và Viettel Khánh Hòa đã có văn bản gửi Sở Giáo dục - Đào tạo đề xuất sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị giải pháp E-learning (dạy học trực tuyến).


HOA NGÂN