Nghị định 100 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020) quy định mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt đối người uống rượu, bia khi lái xe rất cao khiến nhiều người tham gia giao thông phải e dè. Nhiều giải pháp được người dân áp dụng để không vi phạm pháp luật.
Nghị định 100 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020) quy định mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt đối người uống rượu, bia khi lái xe rất cao khiến nhiều người tham gia giao thông phải e dè. Nhiều giải pháp được người dân áp dụng để không vi phạm pháp luật.
“Uống có trách nhiệm”
Sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, các khẩu hiệu “Đã uống rượu bia - không lái xe” hay “Uống có trách nhiệm” thường xuyên được dân nhậu nhắc tới. Để giúp thực khách yên tâm uống bia, rượu mà không vi phạm pháp luật, nhiều nhà hàng đã có những giải pháp hỗ trợ. Ông Lâm Diệu Việt - Giám đốc nhà hàng Yến sào Khánh Hòa cho biết, nhà hàng có chương trình giữ xe miễn phí qua đêm đối với khách sử dụng dịch vụ của nhà hàng và bố trí phương tiện chở khách về tận nhà nếu có nhu cầu. Hầu hết nhà hàng, quán nhậu khác cũng sẵn sàng hỗ trợ khách hàng gọi xe chở về sau cuộc nhậu bằng cách chủ động liên kết với một số tài xế xe ôm, taxi. Một số nhà hàng cũng đẩy mạnh quảng bá hình thức giao thức ăn chế biến sẵn tận nhà.
Ngay cả thực khách cũng nghĩ cách nhậu thích nghi với Nghị định 100. Tại một nhà hàng ở khu vực bờ kè Cù Huân, phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang, chúng tôi bắt gặp 4 khách ngồi cùng bàn nhưng chỉ có 3 người uống bia, người còn lại uống nước suối. Anh Nguyễn Văn Đông (đường số 28 Phước Long, Nha Trang) giải thích, do hôm nay đến lượt anh lái xe chở mọi người về nên chỉ uống nước suối. Từ khi có Nghị định 100, nhóm anh cũng ra quy định phân công xoay vòng người lái xe sau cuộc nhậu. Đến lượt ai lái, người đó không uống bia. “Tuy cuộc nhậu có phần ít khí thế vì người uống, người không, nhưng chấp hành pháp luật, an toàn tính mạng cho mình và mọi người là trên hết”, anh Đông nói. Một số khách nhậu khác lại chủ động kết thân với vài bác tài xe ôm, taxi để nhậu xong có thể gọi chở về. Anh Phạm Huy Hùng (lái xe ôm đường Lê Hồng Phong, Nha Trang) cho biết, từ khi có Nghị định 100, anh có thêm mấy khách hàng là người quanh xóm gọi tới đón ở nhà hàng.
Bia không cồn - lựa chọn mới
Lo ngại bị phạt nặng, nhiều người đã chọn giải pháp sử dụng bia không cồn như một cách gỡ khó cho người buộc phải tham gia các cuộc tiếp khách, chiêu đãi. Trên thị trường, ngoài một số sản phẩm bia được nhập khẩu từ nước ngoài về ghi là bia không cồn nhưng có nồng độ cồn 0,5%, còn có sản phẩm bia không cồn 0% Sagota của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco).
Ông Lâm Diệu Việt cho biết, từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, doanh thu tiêu thụ các loại bia thông thường tại nhà hàng Yến sào Khánh Hòa giảm 50% so với trước. Đầu tháng 2, nhà hàng đã tìm hiểu và đưa vào kinh doanh sản phẩm bia không cồn Sagota nồng độ cồn 0%. Nguyên liệu, quy trình sản xuất sản phẩm này cũng giống như các dòng bia thông thường nhưng có thêm bước tách cồn. Giá thành bia không cồn trên thị trường hiện nay cao hơn giá bia thông thường và tương đương với các loại bia cao cấp khác. Các nước tiên tiến trên thế giới đã sử dụng loại bia không cồn từ khá lâu vì lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng. Khi đưa vào kinh doanh bia không cồn, nhà hàng cũng muốn bảo đảm sức khỏe, an toàn cho khách hàng. Ban đầu, để thăm dò thị hiếu, nhà hàng nhập về 10 thùng bia không cồn và đã được tiêu thụ hết trong thời gian ngắn. Một số khách hàng đã dần chấp nhận sản phẩm mới, đặc biệt khách hàng trực tiếp lái xe luôn chủ động uống bia này.
Hiện nay, giá một thùng bia không cồn Sagota 0% khoảng 400.000 đồng. Anh Nguyễn Tấn Quỳnh (xã Vĩnh Ngọc, Nha Trang) cho biết, uống bia không cồn, anh có cảm giác khá êm nhưng hơi nhạt, có lẽ do mới dùng nên chưa quen. Tuy nhiên, so với việc uống một lon bia có cồn để rồi có khả năng bị phạt cả triệu đồng thì người nhậu chấp nhận chọn bia không cồn. Ngoài nhờ người chở về, uống bia không cồn có lẽ sẽ dần được dân nhậu lựa chọn.
HOA - DUNG