Những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao đã chủ động hướng dẫn, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai nhiệm vụ về công tác gia đình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) đã chủ động hướng dẫn, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai nhiệm vụ về công tác gia đình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Nhiều mô hình, câu lạc bộ được thành lập
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm và then chốt trong việc triển khai nhiệm vụ về công tác gia đình, sở đã chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện tuyên truyền sâu rộng về công tác gia đình bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú, phát huy tối đa hiệu quả và thực hiện đồng bộ nhiều hình thức tuyên truyền. Ngoài ra, sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của ngành, hệ thống truyền thanh 3 cấp trên địa bàn thực hiện 3 đợt tuyên truyền trọng điểm nhân các ngày lễ, kỷ niệm như: ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3); ngày Gia đình Việt Nam (28-6); Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11).
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 126 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ). Trong đó, có 1.011 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 1.059 nhóm PCBLGĐ, 805 cơ sở tư vấn, 755 cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình và 2.094 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững được duy trì sinh hoạt 2 tháng/lần gắn với các buổi sinh hoạt thôn, xóm, phố. Từ khi thành lập các nhóm PCBLGĐ, việc can thiệp, xử lý các vụ bạo lực gia đình được kịp thời hơn, tránh được những mâu thuẫn, xô xát lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể và tinh thần của nạn nhân. Điển hình là gia đình anh L.N.P và chị N.T.T (thị xã Ninh Hoà). Anh P. kể lại: Ngày đó, do túng bấn, nhận thức pháp luật hạn chế, các mâu thuẫn không được giải quyết thấu đáo nên gia đình luôn trong cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” và đỉnh điểm là việc anh P. đánh, cắt tóc vợ, khiến dư luận lên án, vợ chồng ly thân, hạnh phúc gia đình đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Nhờ được Câu lạc bộ PCBLGĐ thị xã khuyên ngăn, hòa giải, răn đe nên “gương vỡ lại lành”.
Tiếp tục phát huy
Năm 2019, toàn tỉnh có 50 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 40 vụ bạo lực thể chất, 8 vụ bạo lực tinh thần, 1 vụ bạo lực kinh tế và 1 vụ bạo lực tình dục. Việc can thiệp, hỗ trợ và xử lý kịp thời của các mô hình PCBLGĐ đã góp phần làm giảm đáng kể các vụ bạo lực, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở VH-TT, để triển khai có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng, tổ dân phố văn hóa đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; trọng tâm là từng bước xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, việc cúng tế; tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chăm sóc người cao tuổi, gia đình chính sách, có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực trong gia đình.
Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội, đoàn thể và các bậc cha mẹ cần quan tâm tới việc cung cấp, trao truyền những kiến thức, kỹ năng sống cho các thành viên trong gia đình như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng. “Để phát huy những thành tựu đã đạt được, trong năm 2020, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội triển khai có hiệu quả công tác gia đình; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tổ chức nhiều hội thi, hội nghị, các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng của người dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp các bộ tài liệu, đa dạng hóa hình thức và sản phẩm truyền thông phù hợp với từng vùng miền để phát huy hiệu quả; kiện toàn đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình ở các cấp đủ và chuyên sâu hơn về chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện hoạt động công tác gia đình, từ đó có những giải pháp chỉ đạo kịp thời, giải quyết khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, tạo điều kiện để thực hiện công tác gia đình được bền vững”, ông Hoa cho biết.
T.TRÚC