08:09, 02/09/2019

Đối phó với thoái hóa khớp ở người cao tuổi

Người cao tuổi thường mắc các bệnh về xương khớp, trong đó bệnh thoái hóa khớp là hay gặp nhất. Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa mang tính quy luật của tổ chức sụn, các tế bào, tổ chức ở khớp và quanh khớp.

 
Người cao tuổi thường mắc các bệnh về xương khớp, trong đó bệnh thoái hóa khớp là hay gặp nhất. Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa mang tính quy luật của tổ chức sụn, các tế bào, tổ chức ở khớp và quanh khớp.
 
Đây là bệnh liên quan chặt chẽ với tuổi, nghĩa là tuổi càng cao thì tổn thương thoái hóa càng nặng; bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, gây tổn hại đến kinh tế gia đình người bệnh và tạo gánh nặng cho chi phí y tế.
 
Khớp và quá trình thoái hóa
 
Khi bị thoái hóa khớp mà không phát hiện sớm để điều trị thì rất dễ dẫn đến tình trạng biến dạng khớp, làm hạn chế vận động, đôi khi làm cứng khớp. Quá trình lão hóa mang tính quy luật nên không thể đẩy lùi tình trạng thoái hóa của xương và chữa trị bệnh dứt điểm được. Tuy nhiên, vẫn có thể giúp giảm bớt các cơn đau và duy trì chức năng vận động của khớp.
 
Trong cơ thể chúng ta có rất nhiều khớp. Khớp chính là phần tiếp nối giữa 2 đầu xương trong cùng một cơ thể, có bao khớp bao bọc xung quanh, có một lớp sụn mềm giữa 2 đầu xương và một loại dịch nhầy (dịch khớp) rất trơn để cho khớp cử động một cách dễ dàng. Khi thoái hóa khớp tổn thương cơ bản đầu tiên là sụn khớp, sau đó tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và dịch khớp. Các khớp xương dễ bị thoái hóa, nhất là khớp gối, khớp đốt sống cổ, khớp đốt sống thắt lưng, khớp háng, khớp cổ chân, bàn chân...
 
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp
 
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp ở người cao tuổi là: Tuổi càng cao thì hiện tượng lão hóa các cơ quan càng mạnh, trong đó có khớp xương. Ngoài ra còn có các yếu tố thuận lợi như: di truyền, tình trạng béo phì, có các vi chấn thương xảy ra thường xuyên ở khớp. Thoái hóa khớp còn có thể là hậu quả của các bệnh khớp như viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp hoặc trong tiền sử có chấn thương mạnh tại khớp như: bị ngã, tai nạn lao động, tai nạn thể thao...

 

Thoái hóa khớp là bệnh liên quan chặt chẽ với tuổi.
Thoái hóa khớp là bệnh liên quan chặt chẽ với tuổi.

 

Các triệu chứng chính của bệnh
 
Đau tại khớp bị thoái hóa là dấu hiệu bao giờ cũng có và là triệu chứng khó chịu chính khiến bệnh nhân phải tìm đủ mọi cách để giảm đau. Đau khớp có tính chất cơ học, đi lại vận động đau tăng, nghỉ ngơi giảm đau. Trong thoái hoá khớp gối, bệnh nhân đau khi đi lại, khi đứng lên và ngồi xuống. Trong thoái hóa đốt sống thắt lưng thì khi cúi xuống, đứng lên, quay ngang... đều đau, đôi khi do thần kinh bị chèn ép làm cho đau dọc xuống dưới chân.
 
Cứng khớp buổi sáng là tình trạng bệnh nhân khi ngủ dậy thấy các khớp của mình cứng, vận động khó, phải tập luyện gấp duỗi một lúc mới vận động dễ dàng hơn. Cứng khớp buổi sáng là một triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân thoái hoá khớp. Thời gian cứng khớp thường dưới 30 phút.
 
Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân có thể thấy lạo xạo khớp khi cử động, giai đoạn nặng có thể có biến dạng khớp, hạn chế vận động hoặc mất vận động khớp.
 
Khi đến thăm khám, bác sĩ thường cho chụp Xquang xương khớp để phát hiện các tổn thương thoái hóa khớp như: hẹp khe khớp, gai xương ở rìa, đặc xương dưới sụn... Ngoài ra, có thể làm thêm các xét nghiệm máu (huyết học, sinh hóa, miễn dịch) hoặc xét nghiệm dịch khớp, chụp cộng hưởng từ khớp, siêu âm khớp để giúp khẳng định chẩn đoán hoặc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác của khớp như: viêm khớp dạng thấp; gout; viêm cột sống dính khớp; viêm khớp phản ứng, lao khớp...
 
Phòng và điều trị thoái hóa khớp
 
Để phòng bệnh thoái hóa khớp, người cao tuổi nên có một chế độ sinh hoạt cho hợp lý (ăn, uống, đi lại, tập luyện...) tùy theo điều kiện của mỗi người. Nên có chế độ sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng như chơi thể thao, đi bộ, bơi..., hạn chế mang vác nặng, làm các động tác quá sức.
 
Duy trì một chế độ tập luyện và phục hồi chức năng đều đặn, hết sức tránh việc bất động khớp (trừ giai đoạn đang viêm cấp) vì khi không vận động, khớp sẽ dễ dàng bị cứng, giảm tiết dịch khớp, xơ hóa các dây chằng, teo cơ, loãng xương, dính khớp và mất dần chức năng của khớp. Dinh dưỡng bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất (protein, calcium, vitamin D, vitamin nhóm B...) là rất cần thiết.
 
Ngoài các biện pháp phòng bệnh không dùng thuốc hiện nay còn có các thuốc phòng và chữa thoái hóa khớp hiệu quả như glucosamine sulfate, chondroitin sulfate, diacerin, piascledine...
 
Trong đợt tiến triển của thoái hóa khớp, bệnh nhân đau nhiều, cần phải dùng các biện pháp giảm đau, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh có uy tín, có bác sĩ chuyên ngành cơ xương khớp để được kê đơn thuốc giảm đau đúng chỉ định hoặc tiêm chống viêm nội khớp, tránh việc dùng các thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc và lạm dụng thuốc giảm đau.
 
Y học hiện đại ngày nay đã nghiên cứu ra rất nhiều biện pháp điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân thoái hóa khớp như: tiêm nội khớp huyết tương giàu tiểu cầu, tiêm nội khớp tế bào gốc từ mô mỡ tự thân hay phẫu thuật thay khớp (thường là khớp háng và khớp gối) trong trường hợp thoái hóa nặng và mất chức năng của khớp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các biện pháp này hiện nay chi phí điều trị còn cao và chỉ thực hiện được ở một số bệnh viện lớn.
Theo Sức khỏe & Đời sống