09:08, 25/08/2019

Nhiều mô hình trợ giúp trẻ gặp khó khăn

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương thực hiện công tác trợ giúp trẻ khó khăn đạt được một số kết quả, góp phần giúp các em vươn lên trong cuộc sống.

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương thực hiện công tác trợ giúp trẻ khó khăn đạt được một số kết quả, góp phần giúp các em vươn lên trong cuộc sống.


Nhiều mô hình


Từ năm 2015 đến nay, nhờ nguồn viện trợ của tổ chức phi chính phủ Holt International Children’ Services tại Việt Nam (Holt), Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ cho hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thông qua 5 tiểu dự án: “Phục hồi, bảo tồn gia đình”; “Gửi trẻ mầm non”, “Bà mẹ đơn thân”, “Hỗ trợ sinh kế” và “Hỗ trợ học phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” với tổng chi phí hơn 2 tỷ đồng.

 

Gia đình chị Bùi Thị Hạnh đầu tư xe bánh bao  sau khi nhận hỗ trợ sinh kế từ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Gia đình chị Bùi Thị Hạnh đầu tư xe bánh bao sau khi nhận hỗ trợ sinh kế từ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.


Năm 2016, chị N.P.M (32 tuổi) bị bạn trai bỏ rơi khi đang mang thai. Cuộc sống khó khăn, chị M. đã tìm đến Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để được giúp đỡ. Tại đây, chị đã được tư vấn tâm lý, hỗ trợ đồ sơ sinh, sữa và thuốc bổ dành cho phụ nữ mang thai. Khi vào viện sinh con, chị được nhân viên trung tâm chăm sóc tận tình. Ông Trần Hiệp - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết, từ năm 2017 đến nay, trung tâm đã xây dựng kế hoạch trợ giúp cho 30 trường hợp mang thai và sinh con một mình đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, người từ các địa phương khác đến cư trú tại Khánh Hòa có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ.


Gia đình chị Bùi Thị Hạnh (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) thuộc diện khó khăn. Sau nhiều đợt mưa lũ, căn nhà của chị bị sập hoàn toàn; các con của chị có nguy cơ phải bỏ học. Đầu năm 2019, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã trao 67,5 triệu đồng cho chị Hạnh trang bị sinh kế để làm ăn, cũng như tạo lập nguồn kinh phí hỗ trợ các con của chị được tiếp tục đi học. “Nhận được số vốn hỗ trợ từ dự án, gia đình tôi rất mừng. Số tiền đó, tôi dùng để xây cất lại ngôi nhà, đầu tư chiếc xe bánh bao để làm ăn. Gia đình khổ bao nhiêu cũng được nhưng chỉ mong mấy đứa nhỏ được đến trường”, chị Hạnh bộc bạch.


Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cũng đã triển khai mô hình hỗ trợ cho các gia đình nghèo tại xã Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa) được vay vốn (mỗi hộ 4 triệu đồng) để chăn nuôi, sản xuất nhỏ. Bà Lưu Thị Ngọc Liên - Quyền Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết, với kinh phí được hỗ trợ, các hộ được vay vốn phát triển kinh tế, khắc phục khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần chung tay cùng xã hội hạn chế tình trạng trẻ em bỏ học, trẻ em lang thang lao động kiếm sống.


Còn khó khăn

 

Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở bảo trợ xã hội công lập; Làng trẻ em SOS Nha Trang và 14 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập. Các cơ sở này đang nuôi dưỡng 702 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hầu hết các em đều được khám sức khỏe định kỳ, đi học tại các trường công lập, tham gia các hoạt động giúp trẻ phát triển toàn diện, tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống. 100% trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp hàng tháng, nuôi dưỡng tại cộng đồng theo quy định của Nhà nước.

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được lãnh đạo UBND các cấp chỉ đạo sâu sát và đầu tư về mọi mặt, huy động các nguồn xã hội hóa để thực hiện hiệu quả các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc đạt 98,65%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đối tượng trẻ em đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt chưa được phát hiện và hỗ trợ kịp thời. Mặt khác, kinh phí dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế, nhiều chương trình, kế hoạch không có kinh phí triển khai, chủ yếu lồng ghép trong các hoạt động liên quan. “Quá trình triển khai chương trình, các gia đình mong muốn được hỗ trợ số vốn lớn hơn, trong khi số tiền trợ giúp phương tiện sinh kế chỉ giới hạn từ 4 đến 6 triệu đồng”, bà Liên nói.


Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên thôn, tổ dân phố ngừng hoạt động từ năm 2016 nên việc nắm bắt, quản lý thông tin trẻ em không sâu sát và kịp thời, ảnh hưởng đến việc trợ giúp kịp thời. Cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện đa số kiêm nhiệm và liên tục thay đổi nên chưa được đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn một cách có hệ thống, do vậy còn gặp nhiều khó khăn trong việc tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu vì trẻ em ở địa phương, cũng như sử dụng và quản lý phần mềm trẻ em.


Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Sở đã trình tỉnh Đề án kiện toàn đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Nếu đề án được thông qua, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em sẽ được thuận lợi hơn”.


THANH TRÚC