Để ổn định đầu ra cho nông sản địa phương, UBND huyện Khánh Sơn đã xúc tiến việc đưa nông sản vào siêu thị. Trong vụ thu hoạch năm nay, người tiêu dùng trong tỉnh có thể tìm mua sầu riêng, mía tím Khánh Sơn trong các siêu thị hoặc cửa hàng trưng bày giới thiệu nông sản của Hội Nông dân tỉnh.
Để ổn định đầu ra cho nông sản địa phương, UBND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã xúc tiến việc đưa nông sản vào siêu thị. Trong vụ thu hoạch năm nay, người tiêu dùng trong tỉnh có thể tìm mua sầu riêng, mía tím Khánh Sơn trong các siêu thị hoặc cửa hàng trưng bày giới thiệu nông sản của Hội Nông dân tỉnh.
Nhiều cây trái đặc sản
Mặc dù vụ sầu riêng năm nay dự kiến sẽ thu hoạch muộn hơn so với những năm trước chừng 1 tháng (phải đến giữa tháng 8 mới thu hoạch rộ), nhưng những ngày gần đây, thương lái từ các tỉnh phía nam đã tìm lên Khánh Sơn để đặt hàng, ký kết hợp đồng với nhà vườn thu mua sầu riêng Monthong với giá 47.000 đồng/kg. Các loại sầu riêng Ri6, Chín Hóa tuy giá thấp hơn nhưng cũng được thương lái đặt mua với giá cao hơn so với thời điểm này năm trước. Hiện nay, các nhà vườn vẫn chưa vội bán mà chờ giá tăng thêm. Không riêng gì sầu riêng, các mặt hàng nông sản khác ở Khánh Sơn cũng được thương lái trong và ngoài tỉnh thu gom hàng ngày để đưa đi tiêu thụ.
Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, thời gian qua huyện Khánh Sơn đã chú trọng tìm tòi, phát triển nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao, dần khẳng định là “thủ phủ” cây ăn quả của tỉnh. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được khoảng 1.000ha sầu riêng, hơn 300ha bưởi da xanh, hơn 150ha chôm chôm, 350ha mía tím và nhiều diện tích măng cụt, quýt đường, mít, chuối… Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết, định hướng chính của huyện là xây dựng Khánh Sơn thành vùng cây ăn trái đặc sản của tỉnh cũng như khu vực; việc phát triển vùng cây ăn quả Khánh Sơn sẽ gắn trực tiếp với sự phát triển của ngành Du lịch tỉnh, huyện và gắn chặt với việc xây dựng nông thôn mới thông qua việc nâng cao thu nhập, đời sống của người dân khu vực miền núi. Với định hướng này, những năm gần đây, địa phương đã tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng; diện tích, sản lượng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đã tăng dần hàng năm.
Tuy nhiên, một vấn đề khiến chính quyền và nông dân Khánh Sơn canh cánh lâu nay là việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Không ít lần nông dân rơi vào cảnh được mùa rớt giá, thậm chí là bị ép giá. Vì vậy, việc tạo đầu ra ổn định cho nông sản là vấn đề luôn được lãnh đạo huyện Khánh Sơn quan tâm.
Đã kết nối với siêu thị
Được sự kết nối của các sở, ngành, giữa tháng 5 vừa qua, UBND huyện Khánh Sơn đã có cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị trên địa bàn tỉnh như: Co.opmart Nha Trang, Co.opmart Cam Ranh, 4 siêu thị Vinmart, BigC, Mega Market để bàn chuyện đưa nông sản Khánh Sơn vào siêu thị. Hiện nay, đã có 2 điểm thỏa thuận bán nông sản Khánh Sơn gồm: Cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản của Hội Nông dân tỉnh tại số 6 đường Tô Vĩnh Diện (TP. Nha Trang) và siêu thị Co.opmart Nha Trang. Ngoài ra, UBND huyện Khánh Sơn và siêu thị Co.opmart Nha Trang cũng đã thống nhất phối hợp tổ chức tuần lễ nông sản Khánh Sơn vào trung tuần tháng 8 năm nay, địa điểm tại sân siêu thị Co.opmart Nha Trang. Các siêu thị khác cũng đã thống nhất tạo điều kiện để các mặt hàng nông sản Khánh Sơn được bày bán trong siêu thị thông qua hợp đồng bán cho siêu thị hoặc siêu thị sẽ bố trí riêng khu vực cho các đơn vị của Khánh Sơn bán sản phẩm nông sản của mình.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, để nông sản Khánh Sơn vào được hệ thống các siêu thị thì phải sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, giá cả cạnh tranh, có chứng nhận tiêu chuẩn VietGap hoặc cao hơn… Trước mắt, UBND huyện Khánh Sơn đã giới thiệu đến các siêu thị 2 mặt hàng gồm: sầu riêng và mía tím. Trong đó, mặt hàng sầu riêng do Hợp tác xã Cây ăn quả Sơn Bình, Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Hiệp, Trạm Khuyến nông huyện và Ban quản lý Thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn cung cấp, với sản lượng khoảng 2.654 tấn/năm, đã công bố chất lượng và đăng ký sở hữu trí tuệ. Mặt hàng mía tím do cơ sở sản xuất mía tím hút chân không, sản lượng hơn 13.400 tấn/năm; sản phẩm này đang chờ công bố chất lượng và đăng ký sở hữu trí tuệ. Ngoài 2 sản phẩm này, địa phương đang tiếp tục xây dựng thương hiệu, hướng dẫn nông dân sản xuất sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với bưởi da xanh, chôm chôm, măng cụt để đảm bảo tiêu chuẩn hàng vào siêu thị.
Dự kiến cuối năm nay, sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh sẽ đi vào hoạt động. Đây sẽ là một kênh quan trọng để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản của Khánh Sơn. Tuy nhiên, để làm được điều này, địa phương rất cần sự hỗ trợ từ các ngành chức năng của tỉnh trong việc sớm hoàn tất chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP đối với các sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, huyện Khánh Sơn cũng cần quản lý chặt chẽ các thương hiệu đã được xây dựng, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sản xuất, kinh doanh nông sản sạch.
HẢI LĂNG