02:12, 27/12/2018

Ổn định cuộc sống nhờ nuôi kỳ tôm

Mới đưa vào thử nghiệm nuôi kỳ tôm chưa đầy 2 năm nhưng anh Nguyễn Thanh Điền (Tân Phú, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã xây được nhà và có cuộc sống ổn định nhờ vào vật nuôi này.

 

Mới đưa vào thử nghiệm nuôi kỳ tôm chưa đầy 2 năm nhưng anh Nguyễn Thanh Điền (Tân Phú, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã xây được nhà và có cuộc sống ổn định nhờ vào vật nuôi này.


Anh Điền cho hay, trước đây anh thường tranh thủ ban đêm đi soi đèn bắt lươn, ếch… để kiếm thêm thu nhập. Trong đó, có con kỳ tôm khá hiếm nhưng bán lại được nhiều tiền. Vì thế, anh nghĩ tới việc nuôi thương phẩm kỳ tôm để có thu nhập ổn định hơn.  

 

Anh Điền có những thành công bước đầu khi nuôi kỳ tôm.

Anh Điền có những thành công bước đầu khi nuôi kỳ tôm.


Khi bắt tay vào nuôi, liên tục 2 đợt nuôi kỳ tôm đầu tiên với tổng cộng gần 90kg giống, anh đều thất bại do không biết chúng ăn gì. Tháng 3-2017, từ thông tin trên mạng, anh biết đến một cơ sở tại Bạc Liêu nuôi thành công kỳ tôm. Cơ sở này đã tư vấn cho anh nên mua giống đã thuần dưỡng đem về lai với giống tự nhiên cho ra dòng quen với thức ăn mà con người cung cấp. Anh đặt hàng ngay và chỉ trong thời gian ngắn, lô hàng “ngoại” (giá giống 17.000 đồng/kg) đã về hợp nhất với kỳ tôm “nội”. Cơ sở này cũng hướng dẫn anh làm chuồng trại, lợp tôn chống nóng, lạnh, bố trí cây chà làm nơi kỳ tôm trú ngụ...


“Hàng ngày, tôi mua bầu bí và phổi heo làm thức ăn cho chúng. Ngoài ra, kỳ tôm rất thích ăn mướp, su su…”, anh Điền cho biết. Kỳ tôm lớn nhanh, nuôi từ 1 - 1,5 năm có thể xuất bán. Giá giống hiện tại 12.000 đồng/con; giá thịt 300.000 đồng/kg. Kỳ tôm thuần thục bán theo giá thịt. Theo anh Điền, thị trường kỳ tôm hiện nay rất “hot”, không đủ hàng để bán bởi thịt kỳ tôm ăn ngọt, dai, thơm. Trước đây số lượng ít, anh thường bán cho các quán nhậu, nhà hàng khu vực Vạn Ninh, Ninh Hòa. Hiện nay số lượng lớn, anh bán cho một đại lý thu mua tại Ninh Hòa, bình quân 100 - 150kg/tháng.


Ông Đinh Văn Hiệp - Chủ tịch Hội Nông dân Vạn Phú cho biết, kỳ tôm là đối tượng nuôi mới, có nhiều triển vọng phát triển. Hội Nông dân có hướng hỗ trợ cho hộ 20 triệu đồng làm vốn để mở rộng chuồng trại, giúp hộ làm thủ tục đăng ký chăn nuôi động vật hoang dã. Ngoài ra, hội dự kiến chọn hộ anh Điền làm báo cáo sáng kiến kinh nghiệm tham gia Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật sắp tới.


Theo ông Ngô Hữu Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phú, kỳ tôm là loài hoang dã nằm trong danh mục phải đăng ký với Hạt Kiểm lâm, vì thế xã đang hỗ trợ hộ  nuôi thực hiện các thủ tục theo quy định nuôi động vật hoang dã. Dù đa số giống của anh Điền mua ở một cơ sở thuần dưỡng khác nhưng vẫn có số kỳ tôm bắt từ tự nhiên. Do đó, xã sẽ hỗ trợ anh sớm thực hiện các thủ tục cần thiết để phát triển giống mới này. Một khi các thủ tục đã hoàn tất thì việc nuôi mới dễ dàng, giúp nông dân thoát nghèo, phát triển kinh tế hộ, đồng thời hạn chế nạn săn bắt từ tự nhiên.


P.LÂM

 



Kỳ tôm còn được gọi là con rồng đất, là động vật hoang dã thường sống trên các cây gần ao hồ hay sông ở đồi núi. Thức ăn chủ yếu của kỳ tôm là các loại côn trùng và sâu bọ. Số lượng kỳ tôm trong tự nhiên hiện đã giảm rõ rệt do tình trạng săn bắt bừa bãi. Vì vậy, loài bò sát này đã được xếp vào loại động vật được bảo vệ.


Kỳ tôm đẻ trứng từ tháng 11 đến tháng 7 âm lịch năm sau. Bình quân 8 - 15 trứng/con/đợt (2 đợt/năm). Sau khi kỳ tôm đẻ, người nuôi cần đưa trứng vào các thùng xốp đổ sẵn một lớp cát ướt dày 10cm, đặt trứng ở giữa, sau đó đổ thêm một lớp cát ướt dày 10cm nữa. Cần thường xuyên theo dõi môi trường ấp trứng, nếu cát khô phải xịt nước giữ ẩm. Sau 72 ngày trứng nở ra con to bằng thân cây bút.