Đạt giải 3 tại hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2016 - 2017), mô hình cải tiến kỹ thuật thu gom rơm rạ trên đồng ruộng của ông Nguyễn Xuân Hoàng Hiệp và Đỗ Công Tân - xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa) đã giúp nhiều người dân thực hiện nhanh công đoạn thu gom rơm rạ sau thu hoạch, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao thu nhập.
Đạt giải 3 tại hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2016 - 2017), mô hình cải tiến kỹ thuật thu gom rơm rạ trên đồng ruộng của ông Nguyễn Xuân Hoàng Hiệp và Đỗ Công Tân - xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa) đã giúp nhiều người dân thực hiện nhanh công đoạn thu gom rơm rạ sau thu hoạch, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao thu nhập.
Ông Đỗ Công Tân cho biết, qua nhiều năm trực tiếp sản xuất lúa và tiếp xúc với người dân, ông nhận thấy sau mỗi vụ thu hoạch, người dân thường đốt bỏ phần lớn số rơm, rạ trên ruộng do tốn nhiều chi phí thu gom. Việc đốt bỏ tạo khói, bụi, gây ô nhiễm môi trường. Có hộ dùng công cụ lao động thô sơ như cuốc chỉa, bồ cào để thu gom. Phương pháp thủ công này vừa chậm, kéo dài thời gian, tốn nhiều chi phí, khi gặp mưa phần lớn số rơm rạ bị ngập nước nên mốc, không sử dụng được, người dân lại phải tốn công vận chuyển đi đổ bỏ để có mặt bằng ruộng cho sản xuất vụ sau. Từ thực tế đó, ông cùng ông Hiệp nghiên cứu cải tiến hiệu quả kỹ thuật thu gom rơm rạ trên đồng ruộng bằng dàn răng xới gắn trước đầu các loại máy cày.
Kỹ thuật cải tiến của 2 nông dân xã Ninh Thọ là sử dụng máy cày (loại trung có mã lực từ 14 đến 30HP hoặc các loại máy cày khác có thể chạy bằng bánh hơi trên đồng ruộng lúa), dùng các thanh sắt có đường kính Ø 2,2 - 2,5cm, chiều dài 2m, hàn kết thành một dàn răng xới đều từ 8 đến 10 răng, khoảng cách răng 15 - 20cm. Tổng chi phí cho dàn răng xới bằng sắt có giá thành khoảng 1 triệu đồng. Bình quân mỗi ngày, người dân dùng máy cày lắp thiết bị này có thể thu gom 4 - 5ha rơm rạ, nhanh gấp 5 lần so với sử dụng phương pháp thủ công.
Theo ông Mai Trần Chung (thôn Ninh Điền, xã Ninh Thọ), gia đình ông đã áp dụng mô hình này trong thu hoạch vụ mùa được 2 năm. So với tiền thuê máy và mướn công lao động, giá trị thu rơm rạ bằng mô hình cải tiến kỹ thuật trên giảm được 500.000 đồng/ha. Một ngày 1 máy có thể thu gom trung bình 4ha, gia đình ông Chung giảm được 2 triệu đồng công thuê. Mô hình vận hành đơn giản, rất thuận lợi, có thể áp dụng được cho tất cả các máy cày, máy xới từ đồng ruộng. Rơm rạ thu hoạch được, một phần ông dùng làm nguồn thức ăn dự trữ cho bò, phần còn lại ủ tạo thành phân, bón cho mấy sào cây rau màu, giảm được nhiều chi phí.
Ông Võ Đăng Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ cho biết: “Ninh Thọ là xã thuần nông, hơn 80% người dân sống bằng lao động nông nghiệp, nguồn thu nhập chính là cây lúa với diện tích 570ha/vụ. Nhờ mô hình cải tiến kỹ thuật thu gom rơm rạ trên đồng ruộng bằng dàn răng xới mà số rơm rạ sau thu hoạch ở xã 2 năm gần đây được thu hoạch nhanh, sạch, phục vụ tốt cho chăn nuôi, trồng trọt, giúp phát triển kinh tế hộ tại địa phương. Hiện nay, mô hình đang được nhân rộng cho 570ha trồng lúa tại xã và đang tiếp tục mở rộng ở các xã: Ninh An, Ninh Sơn ra các xã lân cận”.
Vân Ly